Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả báo cáo "Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong top 10 của bảng xếp hạng là hai đại diện kinh tế đến từ châu Á gồm đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) xếp thứ 7 và Nhật Bản thứ 9.

Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu về năng lực cạnh tranh trong số 148 nền kinh tế trên toàn thế giới, đó là kết quả báo cáo "Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014" do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 4/9 tại Geneva. 

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, quốc gia Bắc Âu này nắm giữ danh hiệu trên, theo sau là Singapore và Phần Lan.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: bloomberg.com)

Theo báo cáo này, 3 nền kinh tế có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới không thay đổi vị trí so với năm 2012-2013. Trong khi đó, Đức đã tiến 2 bậc lên vị trí thứ 4 và Mỹ đảo ngược sự suy giảm trong 4 năm lên vị trí thứ 5 nhờ sự cải thiện nhận thức trong thị trường tài chính cũng như niềm tin lớn hơn vào các tổ chức công của nước này. 

Nằm trong top 10 của bảng xếp hạng là hai đại diện kinh tế đến từ châu Á gồm đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) xếp thứ 7 và Nhật Bản thứ 9.

Trong số Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRIC), Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu nhóm ở vị trí thứ 29 trước Nam Phi xếp thứ (53), Brazil (56), Ấn Độ (60) và Nga (64). 

Đặc biệt, khoảng cách về sức cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ đã mở rộng từ 8 vị trí trong năm trong 2006 lên 31 vị trí trong năm nay.

Nhà kinh tế Thierry Geiger thuộc WEF, người phụ trách báo cáo về châu Á, đánh giá rằng việc Trung Quốc duy trì vị trí thứ 29 trong bảng xếp hạng năm nay là không thay đổi so với năm ngoái. Thành tích của Trung Quốc luôn ổn định và vẫn rất mạnh mẽ biểu hiện qua tất cả các tiêu chuẩn, tốt hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi lớn khác trên thế giới. 

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng Trung Quốc hiện diện trong top 30 nền kinh tế hàng đầu trong giai đoạn phát triển này là một thành tích rất đáng kích lệ, song quốc gia này cần tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục cao, hiệu quả thị trường, ứng dụng công nghệ để duy trì và cải thiện khả năng cạnh tranh.

Tại châu Âu, những nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và tránh nguy cơ tan rã của đồng euro đã khiến khu vực này giảm sự lưu tâm đến các vấn đề cạnh tranh.

Báo cáo trên lưu ý rằng các nền kinh tế Nam Âu như Tây Ban Nha xếp vị trí (35), Italy (49), Bồ Đào Nha (51) và đặc biệt là Hy Lạp (91), cần phải tiếp tục giải quyết những yếu kém trong hoạt động và hiệu quả của thị trường, thúc đẩy sự đổi mới và cải thiện sự tiếp cận tài chính để giúp phân chia năng lực cạnh tranh của khu vực.

Trong khi đó, ở Trung Đông và Bắc Phi, Qatar đứng đầu bảng xếp hạng của khu vực với vị trí thứ 13, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất đứng thứ 19. Tại khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, Mauritius xếp vị trí thứ 45, tiếp theo Nam Phi vị trí 53 là những nền kinh tế cạnh tranh nhất trong khu vực.

Ở châu Mỹ Latinh, báo cáo của WEF chỉ ra rằng bất chấp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm trước đây, khu vực này tiếp tục đối mặt với tình trạng năng suất thấp và trì trệ trong hoạt động cạnh tranh.

Chile xếp thứ 34 tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng khu vực trên, trước Panama ở vị trí 40, Costa Rica (54) và Mexico (55).