Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (Unesco) vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Để tổ chức Lễ kỷ niệm long trọng, chu đáo, tiết kiệm, hiệu quả, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 21/6/2019, chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm gắn với các phong trào thi đua yêu nước, hợp tác quốc tế góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Theo đó, tổ chức Mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được công nhận là "Thành phố vì Hòa Bình" tại vườn hoa Lý Thái Tổ, từ 8h00, ngày 13/7/2019.
Phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội |
Các hoạt động văn hóa, thể thao Ngày hội văn hóa Hòa Bình được tổ chức từ 8h00, ngày 13/7/2019, đến 22h00, ngày 14/7/2019, bao gồm: (1) 2 đêm nhạc đặc sắc với chủ đề “Tôi yêu Hà Nội”, “Thắp sáng hòa bình” tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ vào 20h, ngày 13, 14/7/2019; (2) Không gian trưng bày: làng Hữu Nghị do các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tham gia gian hàng giới thiệu văn hóa các nước, nghệ nhân giới thiệu, trưng bày sản phẩm các nước tại không gian phố Lê Thạch vào ngày 13, 14/7/2019; (3) Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được Unesco ghi danh như nghệ thuật Bài chòi (Trung bộ) và Nhã nhạc Cung đình Huế, ca Trù… tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ vào ngày 13, 14/7/2019; (4) Không gian văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số tỉnh tại Cung thiếu nhi Hà Nội, nhà Bát Giác vào ngày 13, 14/7/2019; (5) Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, xiếc, ảo thuật, múa rối, võ thuật truyền thống tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm vào ngày 13, 14/7/2019; (6) Liên hoan các ban nhạc kèn Hà Nội tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ vào ngày 14/7/2019.
Cùng các hoạt động khác như: (7) Triển lãm ảnh “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” vào tháng 7 và tháng 9/2019; (8) Triển lãm ảnh “Nhật ký hòa bình” tại di tích nhà tù Hỏa Lò vào tháng 7 và tháng 9/2019; (9) Đợt viết về Hà Nội - Thành phố vì hòa bình từ tháng 4-10/2019; (10) Cuộc thi tìm kiếm “Đại sứ hữu nghị vì hòa bình 2019” từ tháng 5-11/2019; (11) Liên hoan giai điệu hòa bình, hữu nghị với chủ đề “Âm vang thành phố hòa bình” vào tháng 10/2019; (12) Hội thảo “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - 20 năm hội nhập và phát triển” vào tháng 7/2019; (13) Sản xuất và phát sóng các phim tài liệu vào tháng 7/2019; (14) Tổ chức Hội sách Hà Nội lần thứ VI năm 2019 với chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” từ ngày 02-6/10/2019; (15) Xuất bản sách ảnh “Hà Nội - 20 năm Thành phố vì hòa bình vào tháng 9-10/2019.
Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 của thành phố Hà Nội
Để thành phố Hà Nội giữ vững kết quả Chỉ số PCI thuộc top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019, của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Nghị quyết số 139/NQ-CP, ngày 09/11/2018, của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 19/6/2019, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 27/03/2019, của UBND Thành phố, đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tập trung khắc phục chỉ số thành phần, chỉ tiêu có xu hướng giảm hạng, có xếp hạng thấp:
+ Chỉ số “Tính minh bạch” (xếp thứ 55/63 - chỉ số giảm bậc sâu nhất trong các chỉ số, giảm18 bậc năm 2018): giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính minh bạch”. Giao Văn phòng UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố… cho công dân, doanh nghiệp. Các biểu mẫu hướng dẫn phải đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật. Tiến tới doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai. Thời hạn hoàn thành việc công khai, cập nhật thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị trước 15/7/2019.
+ Chỉ số “Tiếp cận đất đai” (xếp thứ 56/63): giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả Chỉ số Tiếp cận đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thuận lợi và nhanh chóng. Tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức. Tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường.
+ Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” (xếp thứ 62/63): Giao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề Thành phố chủ trì theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”; tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách của Trung ương, Thành phố. Các Hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối giữa chính quyền Thành phố với các doanh nghiệp; cần lan tỏa tốt hơn các chủ trương, chính sách của Thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
+ Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” (xếp thứ 57/63) và các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ công chức, cải cách hành chính trong Chỉ số “Chi phí thời gian”, Chỉ số “Chi phí không chính thức”: Giao Sở Nội vụ chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh”, “Chi phí thời gian”. Thanh tra Thành phố chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Chi phí không chính thức”. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục cải cách TTHC và ứng dụng CNTT để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước. Đảm bảo thực thi nghiêm túc những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh. Giao Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, tổng hợp báo cáo về kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC cho doanh nghiệp.
Thành phố khuyến khích các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn có sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (ví dụ như: Sáng kiến về giảm thời gian giải quyết TTHC; sáng kiến về xây dựng hình ảnh cơ quan thân thiện, chuyên nghiệp). Coi đây là một trong những giải pháp đột phá để cải thiện những chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức của Thành phố. Các đơn vị chủ động đăng ký các sáng kiến, mô hình với Thành phố trước 15/7/2019 (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tạo không khí thi đua lan tỏa trong toàn Thành phố.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chủ động trong công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc trách nhiệm của mình. Chủ động trong việc xây dựng hình ảnh của đơn vị, đóng góp vào hình ảnh của Thành phố: “Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.
+ Chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” (xếp thứ 58/63): Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật.
- Duy trì các chỉ số thành phần, các chỉ tiêu có xếp hạng tốt
+ Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 6/63): giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để duy trì và phát huy kết quả Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”. Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng, đảm bảo thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định. Phấn đấu 30% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; 10% trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích. Rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết trong nội bộ nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất.
+ Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (xếp thứ 5/63); Chỉ số “Đào tạo lao động” (xếp thứ 4/63): Hai Chỉ số Hà Nội có truyền thống xếp hạng tốt: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để phát huy kết quả Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Hoàn thiện, trình UBND Thành phố ban hành Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chủ động phát triển các dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Giao Sở LĐTB&XH chủ trì triển khai các giải pháp tiếp tục phát huy kết quả Chỉ số “Đào tạo lao động”. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và điều hành hệ thống Sàn giao dịch việc làm, cải thiện các chỉ tiêu về dịch vụ giới thiệu việc làm.
Kiểm soát chỉ số CPI, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Thành phố cuối năm 2019
Ngày 20/6/2019, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 2532/UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Giao Sở Công Thương: Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có xu hướng biến động tăng, giảm (xăng dầu, gas, thịt lợn…) tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng CPI. Chủ trì, phối hợp với phối hợp với TTXTĐTTM&DL Thành phố, các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng tăng tổng mức tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2019.
- Giao Sở Tài chính: Tham mưu giúp UBND Thành phố thực hiện tốt công tác điều hành giá đặc biệt là các nhóm đang tăng cao (giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng…) và giá các mặt hàng thiết yếu. Nắm bắt kịp thời các mặt hàng có xu hướng tăng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI trong các tháng cuối năm 2019. Tăng cường kiểm tra giá trên địa bàn.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài chính nắm chắc diễn biến tình hình giá cả đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn). Theo dõi chặt diễn biến tình hình và thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc; đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, liên kết sản xuất chuỗi thịt lợn an toàn dịch bệnh. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản… để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn; tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất tập trung, kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phát triển đàn lợn.
- Giao Sở Du lịch: Đề xuất giải pháp tăng doanh thu khách sạn, nhà hàng, doanh thu du lịch lữ hành để tương xứng với lượng khách du lịch đến Hà Nội.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền bình ổn thị trường, tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’, các chương trình kích cầu tiêu dùng… và những biến động bất thường về giá cả thị trường.
- Giao Sở Giáo dục & Đào tạo: Nghiên cứu mức đề xuất học phí năm học 2019-2020, nắm sát tình hình việc thu khoản tăng học phí của các trường, có giải pháp tránh tình trạng tăng cục bộ vào một thời điểm làm ảnh hưởng lớn đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố.
- Giao Cục quản lý thị trường: Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; Phối hợp với các ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… kiểm tra, xử lý nghiêm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (lưu ý mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn).
- Giao UBND các quận, huyện, thị xã: tiếp tục chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, hướng dẫn các hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát. Phối hợp với Sở Công Thương kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tổ chức các hoạt động nhằm kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường trên địa bàn: Tổ chức Hội chợ hàng hóa tại các quận nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá để thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong nhân dân, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm trên địa bàn
- Các doanh nghiệp thu mua, giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn nghiên cứu việc thu mua lợn không bị nhiễm dịch bệnh và cấp trữ đông, sơ chế, chế biến thịt lợn phù hợp với khả năng của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi có phương án giải quyết lượng lợn tồn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh và thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường trong thời gian tới. Các DN thông tin nhanh tình hình thị trường, giá cả, đặc biệt khi mới xuất hiện những biến động bất thường của thị trường; những khó khăn, vướng mắc của trong quá trình sản xuất kinh doanh; những đề xuất, kiến nghị để Sở Công Thương kịp thời phối hợp với các ngành giải quyết và báo cáo UBND Thành phố. Tăng cường đưa hàng Việt vào kinh doanh tại hệ thống nhằm tăng việc lựa chọn hàng Việt của người tiêu dùng; chủ động tổ chức các hoạt động bán hàng và các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nhân dân, thu hút người dân đến mua sắm hàng hóa tại các điểm bán; đổi mới phương thức bán hàng, áp dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tìm kiếm, hình thành các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm ổn định nguồn hàng, hạ giá thành sản phẩm để khuyến khích tiêu dùng.
Từ ngày 10/7/2019, Thành phố triển khai thanh tra đồng loạt ATTP
Đánh giá kết quả triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP)” năm 2019, tại Thông báo số 207/TB-VP, ngày 20/6/2019, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc BCĐ công tác ATTP Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đến hết năm 2019; đẩy mạnh thông tin thường xuyên từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường quản lý ATTP từ các tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo chất lượng ATTP, không để thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các chất bảo quản, chất tạo màu độc hại lưu thông trên thị trường. Tăng cường kiểm soát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn (đặc biệt lưu ý tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ) chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ, vận chuyển lợn bị nhiễm bệnh trên thị trường.
Về công tác triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP, UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đảm bảo mỗi xã/phường tối thiểu đủ 4 cán bộ đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó, bắt buộc phải có 01 Phó Chủ tịch; hoàn tất việc đào tạo chuyên môn cho cán bộ thanh tra. Tăng cường truyền thông về thí điểm thanh tra ATTP trên toàn Thành phố. Xây dựng kế hoạch thanh tra ATTP 6 tháng cuối năm 2019. Ban hành Quyết định giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho công chức viên chức thuộc quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Từ ngày 10/7/2019, Thành phố sẽ triển khai thanh tra đồng loạt ATTP.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy lợi, xây dựng phương án ứng phó thiên tai
Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố, tại văn bản số 2510/UBND-KT ngày 18/6/2019, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:
- Giao UBND các quận, huyện, thị xã: (1) Củng cố, kiện toàn BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp huyện, xã; bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị và các nhu yếu phẩm khác nhằm chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra; quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; (2) Phối hợp chặt chẽ với các Công ty thủy lợi rà soát các vùng ở khu vực hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; xây dựng phương án và chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra ngập lụt; (3) Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy lợi, xây dựng phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn công trình, tính mạng và tài sản nhân dân trong khu vực; (4) Chỉ đạo giải tỏa các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt các tuyến sông, trục tiêu chính, đảm bảo an toàn dẫn nước tiêu úng khi có mưa, lũ xảy ra; (5) Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về pháp luật thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình, nhân lực, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi; hướng dẫn, tuyên truyền và diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu.
- Giao các công ty thủy lợi: (1) Chủ động xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác, bảo vệ hệ thống các công trình thủy lợi; nạo vét, khơi thông các tuyến kênh tiêu, chủ động phương án bố trí các trạm bơm dã chiến tại các vùng có nguy cơ úng ngập cục bộ; tổ chức tu bổ, sửa chữa hư hỏng các trạm bơm, cống tiêu, hồ đập, thiết bị điện, nạo vét bể hút trạm bơm, kênh, mương, đặc biệt hệ thống công trình phục vụ tiêu úng, các trục tiêu chính; (2) Quán triệt đến cán bộ, công nhân thuộc đơn vị các biện pháp ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết; phân công cán bộ thường xuyên túc trực tại các công trình trọng điểm, các công trình xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố; tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng toàn bộ công trình đặc biệt các hồ chứa trên địa bàn đơn vị quản lý, đề xuất phương án xử lý, khắc phục ngay những công trình, hạng mục có nguy cơ mất an toàn. (3) Rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh nội dung chưa phù hợp; vận hành điều tiết nước hồ đảm bảo mục tiêu an toàn công trình và dân cư vùng hạ du, đồng thời tích đủ nước để phục vụ sản xuất; xây dựng phương án và thực hiện phương án phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn hồ, đập; (4) Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Giao Tổng Công ty Điện lực Thành phố: Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các tuyến đường dây cao thế, trạm biến áp; xử lý kịp thời các sự cố; ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm nhằm phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trong công tác phòng chống thiên tai.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (1) Chủ trì, phối hợp các đơn vị hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; hướng dẫn, đôn đốc chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm các quy định, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý đối với các trường hợp không chấp hành quy định về thủy lợi; hướng dẫn nâng cao năng lực đội ngũ quản lý vận hành công trình thủy lợi và khả năng phát hiện và xử lý các sự cố công trình thủy lợi; (2) Phối hợp với các Công ty thủy lợi rà soát, tổng hợp đề xuất danh mục sửa chữa, duy tu, chống xuống cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo an toàn công trình phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai, báo cáo UBND Thành phố.
Tháng 6/2019, lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 36 lượt công dân
Ngày 18/6/2019, Lãnh đạo UBND Thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 6/2019 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 36 lượt (106 người) là công dân các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai và thị xã Sơn Tây; 02 đoàn khiếu kiện đông người: Đoàn 30 công dân các xã: Tứ Hiệp, Liên Ninh và Tân Triều, huyện Thanh Trì; đoàn 40 công dân khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì; nhận 67 đơn.
Căn cứ vào nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố. Đối với các vụ khiếu kiện đông người cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố tại các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định.