Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các địa phương, thêm 4 tướng bị kỷ luật

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, hoạt động đáng chú ý nhất là công tác tổ chức kỳ họp HĐND tại các tỉnh, TP xem xét, quyết nghị hàng loạt vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của địa phương.

Khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XV
Khai mạc kỳ họp HĐND nhiều tỉnh, TP
Từ ngày 4 - 6/12 kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã diễn ra và thông qua 14 nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để TP sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.
Cùng khoảng thời gian trên (4 - 7/12), kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX cũng đã diễn ra. Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thảo luận, thông qua 23 Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng. Qua đó HĐND đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cần có biện pháp cụ thể, đánh giá đúng tình hình, tiềm năng, lợi thế, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của HĐND, nhất là về kinh tế - xã hội.
Trong tuần, tại các địa phương: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đồng Nai, Sơn La, Bình Định, Nam Định, Tuyên Quang... HĐND các tỉnh cũng tổ chức các kỳ họp xem xét, quyết nghị hàng loạt vấn đề lớn, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của địa phương.
Nhìn chung, theo đánh giá, các kỳ họp có nhiều đổi mới và thành công từ khâu chuẩn bị tài liệu, báo cáo, chất lượng các đề án, tờ trình, chất lượng thẩm tra của các ban HĐND. Bên cạnh đó công tác điều hành tổ chức kỳ họp, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn cũng như các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp đã ngày càng được nâng cao.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bỏ phiếu tín nhiệm sáng 6/12
Lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo các địa phương
Liên quan đến các kỳ họp HĐND được tổ chức trong tuần qua, 1 trong những nội dung quan trọng được chú ý đó là công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những cán bộ làm tốt, có lợi cho sự nghiệp chung, đồng thời cũng là sự đánh giá, nhắc nhở đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc còn hạn chế về năng lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục.
Tại Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất trong 36 lãnh đạo chủ chốt được lấy phiếu tín nhiệm (98,04 số phiếu tín nhiệm cao).
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 30 cán bộ chủ chốt do HĐND TP Hồ Chí Minh bầu hoặc phê chuẩn, Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất.
Tại Thừa Thiên - Huế, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 52/52 phiếu.
Tại Quảng Nam, người có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 51 phiếu, 2 phiếu tín nhiệm, không có phiếu tín nhiệm thấp.
Tại Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Phú Cường là người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất, đạt 98,78%.
Tại Sơn La, người có số phiếu tín nhiệm cao nhất là ông Hoàng Văn Chất - Chủ tịch HĐND tỉnh với 66 phiếu, chiếm 92,96% tổng số đại biểu HĐND.
Tại Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thanh Tùng có 55 phiếu tín nhiệm cao, 4 phiếu tín nhiệm và 0 phiếu tín nhiệm thấp.
Tại Nam Định, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 60 phiếu, chiếm 93,7% tổng số đại biểu HĐND tỉnh.
Tại Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất với 52 phiếu, 4 phiếu tín nhiệm, 1 phiếu tín nhiệm thấp....
Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ tháng 11/2018. Ảnh: VGP

Năm 2018: Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển đề ra
Ngày 3/12, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, bàn về 16 nội dung lớn. Trọng tâm nhất, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2018 và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt những kết quả tích cực, toàn diện, quan trọng. Chúng ta có thể khẳng định sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu kế hoạch đã đề ra cho năm 2018, tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019.
Bên cạnh kết quả được, chúng ta vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức: Nông nghiệp và đời sống của nhân dân một số vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai; tổng thiệt hại do thiên tai trong 11 tháng ước tính khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Việc cung ứng điện cho nền kinh tế còn các vấn đề đặt ra, như báo chí đã phản ánh về khả năng thiếu nguồn cung than, khí cho các nhà máy điện. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tiếp tục có tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp. Tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng vẫn xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương...
 Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam cho Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng
Ngày 5/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất được tổ chức, thay thế Diễn đàn Phát triển Việt Nam. Trước đó đây từng là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), sự kiện được tổ chức đầu tiên cách đây 25 năm.
Tại Diễn đàn năm nay, các đối tác phát triển sẽ giúp Chính phủ mời các chuyên gia quốc tế về các lĩnh vực được ưu tiên quan tâm, tới Diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, trình bày các nghiên cứu và những ý kiến gợi mở với Chính phủ.
Với chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ có một số phiên thảo luận theo chủ đề.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào 2045 - mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.
Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều dược hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Có khát vọng, có niềm tin vào tương lai nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ con đường hiện thực hoá tầm nhìn và chiến lược phát triển của mình không bằng phẳng mà sẽ chông gai, nhiều thách thức. Những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế cũng như từ môi trường quốc tế đầy cạnh tranh và bất ổn.
Ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Đề nghị kỷ luật ông Tất Thành Cang
Từ ngày 3 đến 6/12/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ 32 xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang. Trước đó, tại kỳ họp thứ 31, UBKT Trung ương đã có kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang.
Kết luận cho thấy, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ủy ban UBKT kết luận, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Kỳ họp 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Kỷ luật cảnh cáo đối với 4 tướng
Cùng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Trung tướng Nguyễn Văn Ba, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an có các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 30 của UBKT Trung ương.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Công Sơn, Nguyễn Văn Ba, Lê Đình Nhường.
Theo kết luận tại kỳ họp 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Thiếu tướng Lê Đình Nhường và một số cá nhân khác cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát trong vụ án liên quan một số cán bộ lãnh đạo Tổng cục và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet.
Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Thiếu tướng Lê Đình Nhường phải chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị với cương vị là người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
UBKT Trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (từ tháng 4/2005 - 1/2012), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông - A Lưới, dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, quân đội và cá nhân ông Nghĩa.
1 nội dung nữa trong kỳ họp, UBKT cũng kết luận, sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương, gây dư luận xấu trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Ảnh trên từ trái sang: Bị can Nguyễn Thành Tài và bị can Nguyễn Hoài Nam. Ảnh dưới từ trái sang: Bị can Trương Văn Út và bị can Đào Anh Kiệt.

Bắt giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh
Ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015; khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2015, cùng về tội danh trên.
Ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu "đất vàng" 5.000m2 số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1.
Đồng thời Cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can: Nguyễn Hoài Nam - Bí thư Quận uỷ quận 2, TP Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh và Trương Văn Út - nguyên phó Trưởng phòng quản lý đất cũng thuộc sở này.
Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tài, ông Kiệt và ông Út. Riêng ông Nam được cho tại ngoại, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Những sai phạm của ông Nam được xác định ở thời điểm khi ông này còn là trưởng phòng quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh.
Đề nghị các tỉnh tạm dừng sáp nhập sở
Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban)
Nguyên nhân do Bộ Nội vụ đã xây dựng 2 dự thảo liên quan đến việc này. Hiện 2 dự thảo này đã được trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương.
Đây là 2 nghị định làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quàn lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
"Trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 nghị định này, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện", văn bản nêu rõ.
Ngôi trường xảy ra vụ việc 
Thêm 1 vụ cô giáo phạt tát học sinh
Sự việc 1 học sinh tại tỉnh Quảng Bình bị các bạn cùng lớp và cô giáo chủ nhiệm tát 231 cái ngay trong giờ học đã khiến dư luận xã hội hết sức phẫn nộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Những tưởng sau "cái tát" đó của ngành giáo dục sẽ không còn câu chuyện tương tự diễn ra...
Vậy mà, chỉ 2 tuần sau, sự việc đáng tiếc trên lại xảy ra tại 1 ngôi trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy mức độ hành vi và hậu quả của sự việc này so với vụ tại Quảng Bình nhẹ hơn rất nhiều, nhưng theo quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội, đây là sự việc liên quan đến phương pháp giáo dục và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên cần được xử lý nghiêm.
Sở GD&ĐT Hà Nội sau đó đã yêu cầu phòng GD&ĐT cần phải rút kinh nghiệm cho các thầy, cô giáo và nhân viên trong toàn ngành. Các trường tuyệt đối không để tái diễn hành động bột phát của giáo viên như sự việc xảy ra tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, phụ huynh học sinh và chất lượng giáo dục.