Ngày 24/6, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 - 120mm.
Tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, mưa lớn đã làm một số đoạn đê, kè cầu cảng khu vực bến Béo, đảo Cát Bà, 40m kè khu du lịch Đồ Sơn; thân đê Hà Nam (thị xã Quảng Yên), đê xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), 7m cầu cảng và 35m đường bê tông huyện Cô Tô; dốc bê tông tại đê biển Hải Hậu, 20m kè biển khu du lịch Quất Lâm (Nam Định) bị sạt lở.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ động chống ngập ở nhiều tuyến phố 24/6.
Đoạn đê kè Cát Hải (Hải Phòng) bị sóng biển tràn qua gây sạt, hư hỏng nhiều vị trí. Tại 5 tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 2 đã có 2.800ha và 450 ao nuôi thủy sản; 100 lều trông ao nuôi tôm; 3 tỷ con ngao giống và một số giống thủy sản khác bị thiệt hại; hơn 9.000ha lúa và hơn 900ha hoa màu bị ngập.
Đặc biệt, tại Nghệ An, mưa lớn từ ngày 22 - 24/6 đã gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn làm 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi và gần 9.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập các tuyến đường chính trung tâm TP Hà Tĩnh, chỗ ngập sâu nhất khoảng 60cm gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đồng thời, bão cũng làm hơn 1.000ha lúa và hoa màu bị ngập.
Hiện các tỉnh Hải Phòng,
Hà Nội chủ động ứng phó với mưa lớn
Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 2, có thể gây mưa trên diện rộng trên địa bàn Hà Nội ngày 22/ 6, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP Hà Nội đã ban hành Công điện khẩn số 01, yêu cầu các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chủ động phương án đối phó với bão số 2, khẩn trương thực hiện các công tác PCLB theo kế hoạch và phương án đã lập; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu nhà nguy hiểm đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa các vật cản, triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ...
Tiếp nhận công điện khẩn của TP, từ ngày 22/6, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể triển khai đến các đơn vị, bố trí lực lượng xung kích sẵn sàng trực 24/24 giờ. Do chủ động ứng trực, giữ mực nước trên hệ thống thấp, các cửa phao tại các hồ điều hoà được vận hành, trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác hoạt động tốt, nên vào các đợt mưa vào ngày 22/6 và sáng các ngày 23 - 24/6 trên địa bàn TP không xảy ra úng ngập trên diện rộng. Duy chỉ tại một số "điểm đen" như trên phố Nguyễn Khuyến, khu vực Tây Sơn, khu tập thể Nam Đồng… bị ngập nhẹ. Nhưng do tại những điểm này luôn có công nhân thoát nước ứng trực nên việc di chuyển của người dân không gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ còn tiếp tục gây mưa trên diện rộng. Do vậy, trong các ngày tiếp theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực, chủ động đối phó với mưa.