Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao theo chức năng về công tác nhân sự và trên nghị trường quốc tế cũng chưa nước nào làm như vậy. Do đó, với quyền năng của mình, chính các ĐBQH sẽ thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ hệ trọng là đánh giá tín nhiệm với các chức danh này.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN
Để việc đánh giá khách quan, công tâm, chính xác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Có nhiều căn cứ để đánh giá việc bỏ phiếu. Thứ nhất, nghiên cứu báo cáo tự đánh giá về kết quả hoạt động, phẩm chất, đạo đức, lối sống của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Thứ hai, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước để từ đó soi lại kết quả hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung, của các chức danh chủ chốt nói riêng. Thứ ba, thông qua việc tiếp xúc cử tri, giám sát các hoạt động bộ máy, chất vấn, báo cáo... Căn cứ cuối cùng quan trọng nhất, đó là đánh giá bản thân của mỗi đại biểu dựa trên sự khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử trong xem xét. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: "Tôi cũng là một người tham gia bỏ phiếu và cũng là người được Quốc hội đánh giá tín nhiệm. Vì vậy, tôi có hai tâm trạng, vừa hồi hộp chờ đợi kết quả xem Quốc hội đánh giá mình thế nào để tiếp tục phấn đấu; đồng thời cũng có tâm trạng đánh giá, bỏ phiếu đồng chí khác".
Ngay sau phần khai mạc, Quốc hội thảo luận riêng tại đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người thuộc danh sách trên. Cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội đã nghe UBTVQH báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội tiến hành bầu Ban kiểm phiếu và lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu và Nghị quyết về lấy phiếu sẽ được công bố công khai đến đồng bào, cử tri cả nước vào sáng nay (11/6).
Chiều 10/6, báo cáo kết quả thảo luận tại 63 đoàn ĐBQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Qua tổng hợp, Quốc hội đã nhận được ý kiến đề nghị bổ sung danh sách lấy phiếu tín nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ và ông Đinh Tiến Dũng, ông Nguyễn Hữu Vạn. Tuy nhiên, người được lấy phiếu cần đảm bảo điều kiện đang giữ chức vụ được đưa ra lấy phiếu và thời gian giữ chức vụ cần đủ để đánh giá hiệu quả hoạt động. Do đó, UBTVQH thống nhất không lấy phiếu với các chức danh này. "Ngoài ra, khi bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng cũng đã xem xét cả việc thực hiện nhiệm vụ Tổng Kiểm toán trước đó của ông Dũng" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tại thời điểm này là phù hợp. Quốc hội cũng đã thông qua Ban Kiểm phiếu gồm 29 ĐBQH. Phiếu tín nhiệm được chuẩn bị làm 10 loại phiếu theo từng chức vụ hoặc nhóm chức vụ. Mỗi phiếu được in trên giấy có màu khác nhau, có tên các chức danh kèm theo các ô đề mức độ "tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp". Ngày 10/6, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Theo đó, chiều 11/6, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình, diễn biến mới về Biển Đông. Đây là yêu cầu được các ĐBQH đề xuất. |