KTĐT - Hội chợ thương mại và Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-ASEAN lần thứ nhất đã khai mạc tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 2/3, với sự tham dự của 470 doanh nghiệp, trong đó có 270 doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN.
Đây là sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và là một bước nhằm hiện thực hóa cam kết của ông trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Á (ASEAN), đặc biệt trên cơ sở Chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Arnand Sharma cho biết chính sách mới của Chính phủ Ấn Độ sẽ tập trung thu hút vốn đầu tư và công nghệ từ khu vực ASEAN bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác hiện nay giữa Ấn Độ và ASEAN.
Trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ sẽ cần tới 1.000 tỷ USD để hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở hạ tầng như các cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường thủy nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế, và các nước ASEAN được kỳ vọng sẽ rót một lượng vốn lớn vào những lĩnh vực này, ông Arnand Sharma nói.
Theo Bộ trưởng, Ấn Độ và ASEAN đang tiến gần đến việc ký kết một Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Ấn Độ đã ký những hiệp định tương tự với các nước ASEAN, trong đó có Singapore, và có kế hoạch ký với các nước thành viên khác của hiệp hội.
Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 50 tỷ USD và hai bên cũng đã đặt chỉ tiêu nâng con số này lên 70 tỷ USD vào năm 2012.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Dato Sri Mustapa Mohamed nhấn mạnh ASEAN và Ấn Độ cần phải đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện để có thể mở rộng Hiệp định thương mại tự do (FTA) về hàng hóa sang lĩnh vực
đầu tư và dich vụ.
Bộ trưởng Mustapa Mohamed cho rằng Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN-Ấn Độ sẽ là nơi lý tưởng cho ngành kinh tế tư nhân phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế, ngài Sundram Pushpanathan cho rằng khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ được thực hiện một cách đầy đủ sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện sẽ mở đường cho việc hình thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với một thị trường gần 1,8 tỷ dân và tổng GDP là 2.800 tỷ USD.
Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ, hơn 90% các sản phẩm của hai bên sẽ được miễn thuế nhập khẩu, bao gồm các sản phẩm đặc biệt như dầu thô, dầu cọ đã tinh chế, càphê, chè đen và hồ tiêu.
“Hiệp định sẽ mở đường cho việc miễn thuế nhập khẩu cho hơn 4.000 sản phẩm từ các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ. Các hiệp định về dịch vụ và đầu tư sẽ tạo điều kiện thuân lợi hơn cho các công ty, nhà cung cấp dịch vụ cũng như các nhà đầu tư Ấn Độ tiếp cận khu vực ASEAN và ngược lại,” ông Sundram Pushpanathan nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) Harsh C. Mariwata cho biết sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 22%.
Mục tiêu kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2012 sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho thương mại với Ấn Độ, cũng như các tập đoàn Ấn Độ sẽ tăng cường quan hệ làm ăn với các đối tác ở khu vực ASEAN./.