Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của ASEAN đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực này có tiềm năng kinh tế to lớn với một thị trường lên tới trên 630 triệu dân.
Tăng trưởng GDP của khu vực đã đạt trung bình 5,4% trong những năm gần đây, cao hơn mức trung bình toàn cầu, và được dự đoán sẽ tăng trưởng quanh mức này trong vòng 5 năm tới.
ASEAN cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế khu vực và hội nhập là chìa khóa để ASEAN khai thác các tiềm năng của mình, trong đó bao gồm việc thực hiện Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, cũng như hỗ trợ một hệ thống đa phương mở và bao trùm trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho rằng ASEAN đang phải đối mặt với không ít những thách thức như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, vốn là nền tảng củng cố sự phát triển và thịnh vượng của ASEAN.
Mặt khác, mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng phải chịu sự tác động khác nhau từ các cường quốc lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng tất cả các thành viên phải đoàn kết và phấn đấu để duy trì sự gắn kết, nỗ lực hết mình để có thể tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay nhằm tăng cường mối liên kết kinh tế cũng như thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư.
Các Bộ trưởng Kinh tế, đại diện lãnh đạo kinh tế từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác chụp ảnh chung. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN) |
Là Chủ tịch AEM 50, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đang thúc đẩy một số sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực, cụ thể là trong các lĩnh vực như kết nối kỹ thuật số, thông quan và du lịch.
Bộ trưởng Chan Chun Sing nhận định rằng với việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực đã được hưởng lợi; phần lớn hàng rào phi thuế quan đã được giảm dần cùng với các quy định dịch vụ ít nghiêm ngặt và minh bạch hơn cũng như việc thực hiện các quy tắc đầu tư kinh doanh đã giúp thúc đẩy thương mại hàng hóa nội khối.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 diễn ra từ ngày 29/8-1/9, một loạt hội nghị liên quan cũng sẽ được tổ chức bao gồm: Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 32, Hội nghị liên bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 21, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 nước đối tác (Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Mỹ), Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 10...
Các hội nghị này là sự kiện quan trọng để bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN trong việc triển khai Kế hoạch chi tiết AEC 2025 và thúc đẩy các sáng kiến ưu tiên do Singapore, nước Chủ tịch ASEAN 2018, đề xuất; chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, bộ trưởng các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại cũng sẽ trao đổi quan điểm về hợp tác kinh tế đang diễn ra và triển vọng trong tương lai./.