Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội

Trần Long - Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 16.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Ban Đảng của T.Ư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy, Thành ủy viên, Bí thư các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Hà Nội…
  Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị
Mở đầu Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hội nghị sẽ tập trung xem xét các nội dung chính. Trong đó, có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng TP năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng năm 2019; chủ đề công tác năm 2019 của TP; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 của TP. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm 2018; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2019. Báo cáo kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm 2019 – 2021 của TP. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018; kế hoạch đầu tư phát trển nguồn ngân sách TP năm 2019; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công tủng hạn 2016 – 2020 của cấp TP. Báo cáo về phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của TP.
Hoàn thành toàn bộ 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, giai đoạn 2016-2018 và kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong năm 2018, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, GRDP tăng 8,56% (cách tính mới là 7,37%) và duy trì năm sau tăng cao hơn năm trước (2017 tăng 8,48%, 2016 tăng 8,20%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2018 của Thành phố đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015.
Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội
Tổng thu ngân sách của TP năm 2018 ước đạt 238,8 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (tăng 12,6% so với cùng kỳ). Chi ngân sách được thực hiện đúng quy định, tiếp tục tái cơ cấu các khoản chi theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển. Năm 2018, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8% (năm 2016 còn 55,5%; Năm 2017 còn 53,5%).
Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2018 của Thành phố ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD- là năm đầu tiên đứng đầu cả nước. Kết quả 3 năm 2016-2018, Thành phố thu hút được gần 13,25 tỷ USD, bằng 2,12 lần của cả giai đoạn 2011-2015 và bằng 48,6% của giai đoạn 1986-2015.
Các chỉ số kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng, với 21,6% (kế hoạch là 7,5-8%) và vượt xa so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu là 8,2%. Trung bình 3 năm 2016-2018, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tăng 10,76% - cao hơn giai đoạn 2011-2015 (5,5%). Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa được ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2018 ước tăng 4,15 - 4,30%.
Đáng chú ý, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục được tập trung phát triển, với việc đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm, dịch vụ như Lễ hội văn hóa, ẩm thực tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; Tuyến buýt du lịch 2 tầng; Không gian bích họa phố Phùng Hưng; Chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”… đã thu hút khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2018 ước đạt 26,04 triệu lượt, tăng 9,3%. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (5,7 triệu lượt vào năm 2020).
Quang cảnh Hội nghị. 
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP nêu rõ, dự kiến năm 2018, tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó, thu ngân sách vượt dự toán, 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Đối với 17 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, dự kiến 3 chỉ tiêu đạt sớm 2 năm; 12 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện và dự kiến hoàn thành kế hoạch; 2 chỉ tiêu cần tập trung phấn đấu để thực hiện hoàn thành là tỷ lệ đô thị hóavà tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện
Thành phố lựa chọn đúng và trúng chủ đề năm 2018 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", đã tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Năm 2018, đã thực hiện 12 đợt tinh giản biên chế với 695 người; đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Đề án xây dựng các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận vào năm 2020…
Bên cạnh đó, Thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, như thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà/trụ sở... Ước tính năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 doanh nghiệp với số vốn 280,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 255.280 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng chỉ ra những điểm tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, UBND TP đặt ra mục tiêu tổng quát trong năm 2019 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực, từ quy hoạch, đô thị, xây dựng nông thôn mới đến văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội với 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GRDP phấn đấu tăng từ 7,5% trở lên, thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tỷ lệ giải ngân ước đạt 90% kế hoạch
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2018, và kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách TP năm 2019 do Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền trình bày cho thấy; tính đến 31/10/2018, toàn TP đã giải ngân được 21.729 tỷ đồng (đạt 51% kế hoạch đã giao). Trong đó, ngân sách cấp TP đạt 45,7%; ngân sách cấp huyện đạt 61,2%. Ước giải ngân năm 2018 đạt khoảng 90% vốn kế hoạch giao.
Bên cạnh đó, TP bố trí kế hoạch vốn năm 2018 cho 148 dự án xây dựng cơ bản cấp TP, trong đó có 85 dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành. Ước thực hiện cả năm hoàn thành là 51 dự án. Đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện được ngân sách TP hỗ trợ, dự kiến hoàn thành 72/109 dự án TP giao kế hoạch 2018 hỗ trợ quận, huyện, thị xã phân bổ gồm: 21 dự án đường giao thông nông thôn với 64,5km được xây mới, cải tạo, nâng cấp; 45 trường học được đầu tư, cải tạo nâng cấp để đạt chuẩn quốc gia, 6 công trình văn hóa và y tế.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư PT năm 2018 còn những tồn tại, hạn chế như: Số dự án hoàn thành trong năm thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 51/85 dự án; tỷ lệ giải ngân chậm, nhất là trong những tháng đầu năm, dự kiến năm 2018 chỉ giải ngân đạt khoảng 90% kế hoạch vốn giao.
Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, về kế hoạch đầu tư phát triển cấp TP năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển cấp TP 29.020 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA 1.112 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách 2.526 tỷ đồng và vốn T.Ư trong nước đầu tư theo các chương trình mục tiêu 177 tỷ đồng. Cụ thể, bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công 22.933 tỷ đồng (chiếm 79% tổng vốn đầu tư phát triển năm 2019). Với phương án phân bổ vốn đầu tư như trên năm 2019 TP dự kiến có 211 dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (gồm 114 dự án cấp TP, 2 dự án thuộc chương trình mục tiêu và 95 dự án cấp huyện được ngân sách TP hỗ trợ đầu tư).
Ngoài ra, cân đối bố trí cho nhiệm vụ đầu tư phát triển không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư công 6.086 tỷ (chiếm 21%). Trong đó, bổ sung và hoàn trả cho Quỹ Đầu tư phát triển TP 2.200 tỷ đồng; ghi thu ghi chi các dự án BT 3.000 tỷ đồng...
Đối với việc cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của cấp TP được HĐND TP phê duyệt và hoàn thiện tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 với tổng mức vốn đầu tư 104.723 tỷ đồng. Trong đó, bố trí 70.301 tỷ đồng cho 404 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp TP; bố trí 5.884 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu của TP; bố trí 6.525 tỷ đồng cho 7 dự án theo cơ chế đặc thù từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất; bố trí 9.965 tỷ đồng hỗ trợ cho cấp huyện thực hiện 485 dự án; dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 8.013 tỷ đồng; bố trí có các nhiệm vụ chi đầu tư công khác 4.036 tỷ đồng.
Tính đến năm 2018, TP đã bố trí 58.264 tỷ đồng (đạt 55,6% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn). Dự kiến hết năm 2018, giải ngân 51.578 tỷ đồng (đạt 88,9% kế hoạch vốn đã giao và đạt 49,3% kế hoạch đầu tư công trung hạn). Kết quả, sau 3 năm triển khai, TP đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 569 công trình (gồm 205 công trình cấp TP và 364 công trình cấp huyện được ngân sách TP hỗ trợ vốn đầu tư).
Tổng mức vốn trung hạn 5 năm 2016-2020 của cấp TP là 119.225 tỷ đồng (tăng 14.502 tỷ đồng so với Nghị quyết 15); trong đó ODA là 7.394 tỷ, vốn trong nước 111.831 tỷ đồng. Riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp TP tăng 11.170 tỷ đồng lên thành 80.964 tỷ đồng; số dự án từ 502 dự án tăng lên thành 653 dự án. Đối với nhóm dự án ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện tổng mức vốn trung hạn 5 năm 15.539 tỷ đồng (tăng 5.574 tỷ đồng so với Nghị quyết 15); tổng số dự án tăng từ 485 lên 739 dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 16 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. 
Tiếp tục năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị"

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh TP năm 2018.

Về trọng tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng TP năm 2019, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2019, TP sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Để có thể hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy đề nghị phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng... Ngoài ra, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng. Chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại.

Về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công năm 2018 và năm 2019 của TP, Bí thư Thành ủy cho biết đây là một vấn đề lớn, vĩ mô và rất quan trọng đối với TP. Từ đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cần phải nghiên cứu chặt chẽ, nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng. Đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí sau: Đối với việc cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì nguyên tắc cân đối, bố trí vốn điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ KH&ĐT và bám sát vào các Nghị quyết, Chương trình công tác của Thành ủy và HĐND TP.

Ngoài ra, rà soát, đảm bảo tính khả thi và sự phù hợp của các nguồn vốn đầu tư công bổ sung (chưa chắc chắc) với điều kiện thực tiễn của TP và quy định của pháp luật hiện hành. Các dự án đề xuất đưa ra khỏi Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có lý do xác đáng, đồng thời lưu ý không đề xuất bỏ các dự án dân sinh bức xúc, các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù. Các dự án đề xuất bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải là các dự án cấp thiết, cấp bách gắn với thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI; 8 Chương trình công tác của Thành ủy...