Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 26/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học đã khai mạc, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự.

Đây là dịp để các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế thảo luận, nghiên cứu, để hiểu Việt Nam hơn trong cộng đồng quốc tế.  

Qua đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển Việt Nam theo “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.

Khai mạc Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Việt Nam học - Ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo,

 

Đến dự phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng các đại biểu và nhấn mạnh, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lịch sử văn hóa với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước… Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế và những thành tựu to lớn đạt được trong công cuộc đổi mới, Việt Nam trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Ngày nay, nghiên cứu về Việt Nam hay Việt Nam học, trở thành ngành khoa học mới, đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng cũng nêu rõ, sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, với mức tăng trưởng (bình quân 7%/năm), đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có  thu nhập trung bình… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới, theo hướng CNH – HĐH và phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp, hiện đại.

 

Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào  ba khâu đột phá: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

 

Bởi vậy, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung; khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

 

Hội thảo quốc tế về Việt Nam học là một hoạt động rất có ý nghĩa, là dịp để các nhà khoa học và Chính phủ Việt Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệp… nhằm  góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc… mà còn có cơ hội thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các đơn vị và nhà tài trợ tổ chức Hội thảo và tin tưởng Hội thảo sẽ đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam.

 

Thủ tướng mong muốn, các bạn quốc tế sẽ thành lập được nhiều các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam trên các nước thế giới, để góp phần phát triển ngành Việt Nam học cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP Hà Nội đang đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Khuyến khích, phát triển các loại hình dịch vụ có trình độ và chất lượng cao; phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, sạch, công nghệ cao. Phấn đấu mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 7.100-7.500 USD/năm; xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm tài chính – ngân hàng hàng đầu của vùng và cả nước…