Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác tiềm năng, thúc đẩy hợp tác Hà Nội – Hòa Bình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 15/4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và đoàn...

Kinhtedothi - Hôm nay 15/4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và đoàn công tác của TP đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình.

Đây là hoạt động ý nghĩa để thúc đẩy liên kết phát triển giữa TP Hà Nội với các địa phương trong khu vực, đồng thời thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt và lãnh đạo các sở, ngành. Tiếp, làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà và nông trường cam Cao Phong
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm nông trường cam Cao Phong
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Cửu, trong những năm gần đây, Hòa Bình đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển khá vững chắc trên nhiều mặt công tác. Năm 2014 vừa qua, trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước gặp nhiều thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Hòa Bình vẫn đạt 7,3%, thu ngân sách bình quân tăng 14%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 10%, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá.

Trong đó, một bước chuyển biến tích cực là đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng với các sản phẩm có thương hiệu ngày càng cao như nông sản, thực phẩm…Với lợi thế là một tình nằm liền kề Hà Nội, trong khoảng 3 năm qua, Hòa Bình và Hà Nội thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN của 2 địa phương hợp tác đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 địa phương cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hòa Bình mong muốn được tăng cường hợp tác phát triển hơn nữa với Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt là khuyến khích phát triển hình thức liên kết, phát triển sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Hà Nội và tạo tour tuyến du lịch liên vùng.

Ngoài ra, Hòa Bình cũng đề xuất Hà Nội phối hợp đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 và đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – TP Hòa Bình theo tiến độ đề ra.

Về phía TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo các sở ngành đều khẳng định tiềm năng và khả năng liên kết giữa hai địa phương còn rất lớn, nhất là trong những lĩnh vực như thương mại, văn hóa, du lịch. Đặc biệt, Hà Nội và Hòa Bình có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nhiều tiềm năng về du lịch nên giữa 2 địa phương có thể hợp tác, quảng bá và khai thác thế mạnh này.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, trong những năm qua, Hà Nội giữ nhịp tốc độ phát triển nhanh, bên cạnh việc phát huy nỗ lực, nguồn lực tại chỗ, cũng có phần đóng góp, hợp tác quan trọng của các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là cửa ngõ để Hà Nội mở rộng liên kết, phát triển với hàng loạt các tỉnh khu vực Tây Bắc trên các mặt từ quốc phòng – an ninh đến kinh tế.

 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà
Đi sâu vào một số lĩnh vực có khả năng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, Hà Nội là thị trường lớn với số dân gần 10 triệu người, nhu cầu rất nhiều về thực phẩm. Trong khi đó, Hòa Bình lại có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều thương hiệu như cam Cao Phong, mía tím, rau quả sạch, cá…nên có thể tham gia cung ứng nhiều hơn cho Thủ đô. Muốn vậy, ngành thương mại, nông nghiệp giữa hai địa phương cần phải xây dựng những phương án phối hợp chặt chẽ, vừa chú trọng tiêu thụ, vừa làm tốt hơn khâu chế biến để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm.

Đồng chí cũng lưu ý Sở NN&PTNT Hà Nội qua mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện sông Đà để nghiên cứu áp dụng trên địa bàn TP.  Theo chiều ngược lại, Hà Nội cũng sẵn sàng tạo điều kiện về kinh nghiệm và cây giống, con giống có chất lượng như cam Canh, bưởi Diễn, lợn rừng… để Hòa Bình đa dạng hóa phát triển nông nghiệp.

Đối với hạ tầng giao thông, đồng chí mong muốn hai bên cần sớm xây dựng cơ chế, thu hút nhà đầu tư, quyết tâm giải phóng mặt bằng để thực hiện hai dự án quan trọng là Quốc lộ 6 (đoạn từ Mai Lĩnh đi Xuân Mai) và tuyến kết nối từ Hòa Lạc đến Hòa Bình, từ đó mở ra những hướng phát triển quan trọng cho cả khu vực. Bí thư Thành ủy cũng gợi ý, TP Hà Nội đang có chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, nhà máy ra khỏi nội đô và với lợi thế là địa bàn giáp ranh, quỹ đất rộng, Hòa Bình nên chủ động đề xuất với các bộ, ngành liên quan nhằm thu hút, tiếp nhận những cơ sở này.

Về lĩnh vực du lịch, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng tỉnh Hòa Bình cũng cần phát huy tốt hơn nữa trên cơ sở lợi thế về văn hóa đặc sắc các dân tộc, hồ thủy điện Hòa Bình. Muốn vậy, tỉnh nên tạo những điểm nhấn du lịch thu hút du khách từ Hà Nội và các tỉnh. Về phía TP Hà Nội sẽ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy các DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Vinaconex mở rộng khai thác nguồn nước mặt sông Đà đảm bảo quy mô, chất lượng phục vụ người dân. Đối với một số điểm còn chồng lấn địa giới, hai địa phương cần phối hợp chặt chẽ để sớm đưa ra phương án xử lý, vừa tạo điều kiện cho người dân an cư, vừa làm tốt công tác quản lý.

Nhân dịp này, TP Hà Nội  đã tặng tỉnh Hòa Bình 2 tỷ đồng để phục vụ công tác an sinh xã hội trên địa bàn.