Kinhtedothi - Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau nhằm đánh giá, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời xem xét, cho ý kiến giải quyết về một số kiến nghị của địa phương đối với Chính phủ, chiều 7/2.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, năm 2014, tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định và cao hơn năm trước với mức tăng khoảng 8,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 33 triệu đồng, tăng 9,9% so với năm 2013; các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững. Chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đến nay bình quân mỗi xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới và hiện đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Cà Mau trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Thủ tướng đề nghị Cà Mau phát huy kết quả đạt được, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung lo cải thiện đời sống Nhân dân như mục tiêu đã đề ra cho năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ. Đồng thời, tiến hành tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp gắn với chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới sát với điều kiện thực tế của địa phương theo hướng tập trung phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá, vươn lên. “Không vì chuẩn bị Đại hội mà không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ mà phải hiểu hoàn thành tốt nhiệm vụ mới tạo được tiền đề, khí thế cho sự thành công của Đại hội các cấp. Kinh tế không phát triển, đời sống Nhân dân không được cải thiện thì không nói, không làm được gì đâu” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cà Mau tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mình, mà tiềm năng, lợi thế lớn nhất, vượt trội chính là khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm. Thủ tướng cho rằng với kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là tôm năm 2014 đạt 1,3 tỷ USD và địa phương có doanh nghiệp đứng thứ 9 thế giới về kinh doanh trong ngành tôm thì có thể nói Cà Mau là tỉnh dẫn đầu về thủy sản của cả nước. “Một kg tôm bằng 20kg lúa, 150.000 tấn tôm của các đồng chí tương đương với sản xuất 3 triệu tấn lúa. Người dân đã lựa chọn, các đồng chí có lựa chọn không?” - Thủ tướng đặt câu hỏi đồng thời thúc giục lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển mạnh ngành nuôi tôm xuất khẩu theo hướng hình thành chuỗi giá trị đồng bộ, phát triển theo mô hình công nghiệp kết hợp với nuôi quảng canh của người dân. Để làm được, Cà Mau cần hoàn chỉnh quy hoạch ngành tôm, xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng từ thủy lợi, điện, thức ăn đến xây dựng các nhà máy chế biến; đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là trong các khâu giống, kiểm soát dịch bệnh tôm.
Cùng với sản xuất thủy sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Cà Mau quan tâm đến việc khai thác và làm kinh tế rừng vì tỉnh có diện tích rừng và rừng kinh tế rất lớn. “Nghịch lý là tiềm năng kinh tế rừng rất lớn những đồng bào sống ở khu vực này lại nghèo nhất” - Thủ tướng lưu ý và đề nghị tỉnh căn cứ vào chủ trương của Trung ương để mạnh dạn sắp xếp, chuyển đổi các nông, lâm trường; thực hiện giao đất, giao rừng cho dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng, từ đó vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo đảm được môi trường sinh thái. “Đem lại thu nhập cho dân, nâng cao đời sống, từ đó giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới. Lợi ích lớn như vậy tại sao chúng ta không làm?” - Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng phát triển kinh tế của chúng ta đầu tiên và trước hết chính là lo cho dân, là nâng cao đời sống người dân, là giúp dân xóa đói nghèo, là bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Trách nhiệm đó chính là của người lãnh đạo, là quá trình tổ chức thực hiện, là đội ngũ cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Trung ương, Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để tạo lập thể chế, cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi để thu hút nguồn lực, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Đồng thời cũng sẽ cân đối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, địa phương phải hết sức trách nhiệm, năng động, sáng tạo để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét và cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Cà Mau, như đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ven sông thành phố Cà Mau, hỗ trợ vốn đầu tư nạo vét luồng cho tàu cá ra vào tại các cửa biển lớn của tỉnh, hỗ trợ vốn đầu tư các dự án công trình đê biển, kè chống sạt lở để ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực rừng U Minh Hạ và hỗ trợ vốn đầu tư đối với một số công trình giao thông trọng điểm khác của địa phương.
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán tổng thể tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với Cà Mau để có giải pháp ứng phó lâu dài vì theo dự báo, nếu như Việt Nam là một quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước nguy cơ này thì Cà Mau chính là địa phương sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
|