Dịp này, công chúng sẽ được xem hình ảnh của nồi áp suất Liên Xô, chậu nhôm, phích nóng lạnh, bếp điện lò xo, quạt con cóc, quạt đế gang... của thời kỳ những năm 86.
Thông qua những tài liệu, hiện vật, tiếng nói, câu chuyện của những chính trị gia, nhà nghiên cứu và những người dân bình thường - những người có tầm nhìn và luôn có tinh thần đổi mới, trưng bày mong muốn giúp công chúng hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng, những đổi thay, thành tựu đổi mới của đất nước, từ đó góp phần nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới trong mỗi người, góp sức vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước vì một tương lai tốt đẹp hơn. Trưng bày gồm 5 chủ đề: Đổi mới hay là chết; Cơ hội; Vận động- hội nhập;Tăng trưởng; Sức mạnh; Được thực hiện với phương pháp tiếp cận nhân học, giới thiệu các giọng nói/tiếng nói của người dân ở các góc độ khác nhau thông qua các câu chuyện và hiện vật về thời kỳ Đổi mới. Đặc biệt trưng bày dành riêng một không gian cho công chúng có thể bày tỏ, chia sẻ những ký ức về thời kỳ Đổi mới. Trưng bày được thiết kế cơ bản dựa trên khoảng 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia kết hợp các câu chuyện, bản giới thiệu, bản trích nhằm làm nổi bật những nội dung, ý tưởng trưng bày.
Ngoài ra, các thiết bị Media cũng được chuẩn bị với nhiều nội dung phong phú, bổ sung thông tin toàn diện hơn cho nội dung trưng bày như: Một số hình ảnh thành tựu Việt Nam 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, ngoại giao...; Ảnh tư liệu Hà Nội - TP Hồ Chí Minh những năm đầu đổi mới; Người dân nói về Đổi mới; Một số đánh giá về các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt; Đổi mới - Những con số... cùng các clip ngắn phỏng vấn các chuyên gia, người dân do nhóm cán bộ nghiên cứu thực hiện; Clip về buổi chia sẻ, hiến tặng hiện vật tổ chức tại bảo tàng ngày 23/4/2016. Đặc biệt, phim tư liệu “30 năm đổi mới - Hành trình thắng lợi”; về các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt cũng sẽ được trình chiếu trong Trưng bày.