Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khan hiếm nguyên liệu trầm trọng, các làng nghề sẽ đi về đâu?

Phương Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn”.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, muốn phát triển các làng nghề và hướng tới xuất khẩu thì phải chủ động được vùng nguyên liệu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, kết nối các vùng nguyên liệu với các làng nghề và chuyển giao khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu phát triển.

“Chính các làng nghề và vùng nguyên liệu sẽ là nơi giữ chân người lao động ở nông thôn, không ồ ạt tràn ra thành thị và góp phần phát triển cuộc sống tốt hơn cho người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Việt Nam thiếu nguyên liệu trầm trọng

Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT), tiềm năng phát triển của các ngành nghề thủ công tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Thị trường thế giới đánh giá cao các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, lụa và gốm sứ của Việt Nam. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu năm qua đã đạt khoảng 3,3 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ là 1,08 tỷ USD; gỗ mỹ nghệ 0,03 tỷ USD, sản phẩm gốm sứ 0,71 tỷ USD...).

Hiện nay, các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tổng nhu cầu về nguyên liệu cho các làng nghề vẫn rất cao, trong khi đó việc chưa hình thành được vùng trồng quy mô lớn. Các quốc gia nhiều nguồn nguyên liệu thô như Lào, Indonesia… cấm xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu thô trầm trọng.

Chất lượng nguồn nguyên liệu thô của Việt Nam cũng là một vấn đề đáng bàn, vì không phải nguyên liệu nào cũng phù hợp để phát triển kinh tế. Nguyên liệu cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể đưa vào làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hướng tới xuất khẩu ra thế giới.

Làng nghề mây tre đan truyền thống tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).
Làng nghề mây tre đan truyền thống tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).

Nhìn chung, tất cả các vùng nguyên liệu đều liên quan đến quy hoạch cải tạo và phát triển hạ tầng để phát triển lâu dài. Thực trạng hiện nay của các làng nghề Việt Nam là chỗ sản xuất một nơi, vùng nguyên liệu một nẻo. Các làng nghề sản xuất tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Hồng (chiếm 43,4%), tiếp đến là Vùng Đông Nam Bộ (chiếm 35,5%) và Nam Trung Bộ (10,8%), trong khi đó vùng nguyên liệu lại chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc và các tỉnh miền Trung.

Hai khu vực này không được liên kết với nhau gây khó khăn cho sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng. Việc diện tích rừng tre, nứa phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi cao, đường xá đi lại khó khăn cũng khiến cho việc khai thác, thu mua và vận chuyển đến nơi chế biến gặp nhiều thách thức và tốn nhiều chi phí.

Đối với nguyên liệu gốm sứ, Việt Nam hiện nay vẫn đang thiếu nguồn nguyên liệu. Tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu làm gốm sứ khoảng 1.920.000 tấn mỗi năm, riêng Hà Nội có nhu cầu là khoảng 600.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm do việc quy hoạch xây dựng nhà ở và công trình ngay tại các khu có vùng nguyên liệu.

Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu

Để xúc tiến đầu tư phát triển và mở rộng các vùng nguyên liệu, các đại biểu dự hội nghị đồng tình rằng cần có các chính sách và cơ chế chung để hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn các hộ sản xuất. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề, đào tạo và nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nhân lực nhưng chưa nhiều các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. 

Nguyên liệu cho ngành nghề sản xuất gốm sứ cũng đang bị thiếu hụt.
Nguyên liệu cho ngành nghề sản xuất gốm sứ cũng đang bị thiếu hụt.

Theo ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty Ngọc Động (Hà Nam), một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong chế biến hàng mây tre đan, vùng nguyên liệu là một yếu tố sống còn với các doanh nghiệp cũng như người dân các ngành nghề truyền thống; song vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong kết nối giữa người trồng, doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp xuất khẩu.

Chính vì vậy, các công ty và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp các loại chứng chỉ cho vùng nguyên liệu bền vững, hỗ trợ giống cho người dân và doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đường đi để thuận tiện khai thác vùng nguyên liệu và thu mua chế biến nguyên liệu tại chỗ cũng như phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dân.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, từ việc đồng bộ hỗ trợ, không chỉ doanh nghiệp mà người lao động cũng sẽ được hưởng lợi thông qua việc tăng năng suất, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường; từ đó hướng tới phát triển bền vững và xuất khẩu các sản phẩm làng nghề ra thị trường ngoài nước.

Chia sẻ tại hội nghị, các Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội Tre Việt Nam và các doanh nghiệp địa phương cũng đưa ra các ý kiến về những khó khăn và mong muốn kiến nghị Chính phủ xây dựng các vùng nguyên liệu và nhà cung cấp nguyên liệu ổn định; để từ đó có thể phát triển theo chuỗi giá trị, hạn chế đứt gãy.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần giải quyết được bài toán cải thiện chất lượng nguyên liệu và thiết kế đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các hội nghề nghiệp và các hộ dân, làng nghề để tiến tới đáp ứng các yêu cầu của các thị trường phát triển và thúc đẩy phát triển chung cho các ngành nghề thủ công của Việt Nam... 

 

Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 808.201 cơ sở sản xuất các ngành nghề truyền thống, tập trung chủ yếu ở các nghề mây tre, gốm sứ, thêu, dệt và lụa; tạo việc làm cho khoảng 3,96 triệu lao động, thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người. Cả nước có 2.008 làng nghề, với doanh thu bình quân của các làng nghề được công nhận là 75.720 tỷ đồng...