Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương giải quyết những vướng mắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn của một số người dân thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức phản ánh những khuất tất trong công tác dồn điển đổi thửa (DĐĐT) gây thiệt hại cho người dân.

Qua tìm hiểu được biết, xã Đông La có 120ha đất nông nghiệp vùng bãi, trồng 461 cây vải có gần 100 năm tuổi. Năm 1995, HTX nông nghiệp Đông Lao và UBND xã Đông La ký hợp đồng giao thầu có thời hạn đến cuối năm 2015 toàn bộ số vải cho 1.727 hộ để các hộ chuyển đổi canh tác tạo giá trị thu nhập cao. Trong đó, 70ha đất giao cho 918 hộ thôn Đông Lao. Một thời gian sau khi nhận thầu, do cây vải kém năng suất nên các hộ đã chặt bỏ và trồng các cây khác như nhãn, bưởi, cam, chanh… Tuy nhiên, việc chia ruộng đất thành nhiều ô, thửa nhỏ; hệ thống giao thông thủy lợi xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Do vậy cần phải quy hoạch giao thông, thủy lợi và tập trung DĐĐT, từ 5 - 6 thửa/hộ xuống còn 1 - 2 thửa/hộ cho phù hợp với thực tiễn sản xuất. Thực hiện chủ trương đó, ngày 1/7/2012, Đảng ủy xã Đông La có Nghị quyết số 14/NQ-ĐƯ về việc DĐĐT tại vùng bãi xã Đông La. Tiếp đó, UBND xã Đông La triển khai các bước lấy ý kiến cán bộ, nhân dân thông qua phương án DĐĐT tại các hội nghị từ xã đến thôn, xóm sau đó trình UBND huyện phê duyệt. Nội dung phương án nêu rõ nguyên tắc của việc DĐĐT: "Phải giữ nguyên số nhân khẩu, định xuất, diện tích đã giao cho các hộ, gia đình, cá nhân tại thời điểm giao đất ổn định lâu dài từ năm 1993 theo Nghị định 64/CP".

 
Nguy cơ những cây nhãn gần 20 năm tuổi này sẽ tiếp tục bị chặt hạ nếu UBND xã Đông La không quyết liệt vào cuộc.
Nguy cơ những cây nhãn gần 20 năm tuổi này sẽ tiếp tục bị chặt hạ nếu UBND xã Đông La không quyết liệt vào cuộc.

Trước khi thực hiện, UBND xã tổ chức họp thôn, xóm, tiểu ban DĐĐT thống nhất để các hộ tự dàn xếp hoán đổi cây cũng như tài sản trên đất và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Riêng thôn Đông Lao, do mới có 300/918 hộ đã được cấp sổ đỏ nên gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình triển khai đo đạc, giao ruộng tại thực địa, một số hộ có diện tích dôi dư do khai hoang và mua bán trước đó có đơn đề nghị xin được giao đủ số diện tích hiện đang sử dụng. Ngoài ra, có một số hộ không thống nhất được việc hoán đổi cây, tài sản trên đất nên đã xảy ra việc các hộ tự chặt hàng chục cây nhãn gần 20 năm tuổi rồi không giao đất. Đặc biệt, người dân còn phát hiện một số cán bộ trong tiểu ban DĐĐT được giao thừa diện tích?

 

Chủ tịch UBND xã Đông La Nguyễn Văn Mừng thừa nhận: "Việc một số hộ dân chặt nhãn và tố cáo một số cán bộ được giao thừa diện tích là có. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, thời gian tới, UBND xã sẽ tập trung giải quyết dứt điểm những nội dung các hộ dân đang đề nghị, không để người dân thiệt thòi".

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, sau khi nhận được đơn của người dân thôn Đông Lao liên quan đến công tác DĐĐT, ngày 18/10, UBND huyện đã có Văn bản số 3924/UBND-KT yêu cầu UBND xã Đông La trả lời. Huyện cũng đã giao cho Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, Thanh tra đôn đốc UBND xã Đông La giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Đức khẳng định: "Đông La là xã triển khai mô hình điểm về công tác DĐĐT, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Những ý kiến thắc mắc của người dân đang được UBND xã phối hợp cùng một số ngành liên quan tháo gỡ. Nếu UBND xã không giải quyết dứt điểm, trong tháng 12, UBND huyện sẽ thành lập tổ công tác xác minh làm rõ các nội dung kiến nghị để xử lý".