Phó Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc giao Bộ Tài chính căn cứ kết quả rà soát, phê duyệt số lượng học sinh được hỗ trợ gạo và nhu cầu hỗ trợ gạo của UBND cấp tỉnh để quyết định xuất gạo dữ trữ cho các địa phương trong năm học và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo quy định.
Ảnh minh họa
|
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền theo quy định tại Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Để phù hợp, đồng bộ với các chính sách quy định tại Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ gạo là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.
Các học sinh trên được hỗ trợ 15kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.