Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khép lại để chờ đợi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao bằng công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) 2016 cho 113 tác giả.

Cùng những giọt nước mắt hạnh phúc, các văn nghệ sĩ và đại diện gia đình tác giả vẫn không quên bày tỏ quan điểm nhằm tránh đi những “sóng gió” như kỳ xét thưởng vừa qua.

Lần sau giải thưởng gọi tên ai?

Trong số 18 tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh dịp này, có đến 1/3 tác giả được nhận giải nhờ vào các đợt xét thưởng bổ sung, như: Nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn, NSND Trần Bảng, nhạc sĩ Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên. Rưng rưng cầm tấm bằng công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho người chị dâu, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ - PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã bày tỏ: “Năm nay, Giải thưởng đón nhận số lượng tác giả đạt giải đông đảo nhất. Nhưng nếu không vì những lần lên tiếng quyết liệt từ phía gia đình, truyền thông giúp các vị lãnh đạo nắm được tình hình thì đã không có “quả ngọt” như hôm nay”. PGS.TS Lưu Khánh Thơ vẫn nhớ cảm giác đau lòng về thông tin trước đó – nhà thơ Xuân Quỳnh trượt Giải thưởng. “Giải thưởng trao cho người có khả năng kích thích sức sáng tạo với cộng đồng, là những ghi nhận của Nhân dân, đất nước với văn nghệ sĩ nên cần linh hoạt, không thể xem xét một cách cơ học. Giá trị tinh thần là thước đo dư luận xã hội, đánh giá của đồng nghiệp, bạn đọc, lan truyền qua nhiều thế hệ” – PGS.TS Lưu Khánh Thơ bày tỏ nên tạo cơ chế “mềm” cho lần trao giải lần sau.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả và đại diện gia đình cố tác giả. Ảnh: Linh Anh

Mong muốn có cơ chế linh hoạt bên cạnh những quy định chuẩn của Luật, nhạc sĩ Doãn Nho hy vọng đợt trao giải lần sau sẽ gọi tên những tác giả rất tên tuổi, có nhiều cống hiến, cùng thời kỳ với ông như: Nhạc sĩ Huy Thục – tác giả bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” và nhiều tác phẩm khác, hoặc nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ở TP Hồ Chí Minh.

Cơ hội cho những lĩnh vực chưa từng có giải thưởng

Bên cạnh 18 tác giả, đồng tác giải nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, dịp này, 95 tác giả (đồng tác giả) được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Một số tác giả được Giải thưởng Nhà nước như đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn, Đào Bá Sơn, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Thị Phương Hoa, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Thế Song, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, Trần Lâm Biền. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là tác giả trẻ tuổi nhất nhận Giải thưởng Nhà nước dịp này. Được ghi nhận trong lĩnh vực khí nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là cơ hội duy nhất cho người làm lĩnh vực khí nhạc. “Tuy rằng, để đoạt giải này không phải là dễ nhưng nếu không có thì chúng tôi không bao giờ có tấm bằng giải thưởng” – nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tổng kết lại quá trình xét tặng và trao giải, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “Không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có các tác phẩm về VHNT nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”. Tinh thần đó được thể hiện rõ trong nhiều lần bổ sung tác giả đạt giải trong kỳ xét tặng lần sau. Các tác giả và gia đình tác giả hy vọng tinh thần này sẽ được tận lực, tận tâm thực hiện trong lần xét tặng 5 năm tới (2021), của mỗi kỳ Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực VHNT.

18 tác giả, đồng tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: Nhạc sĩ Doãn Nho, GS.TS.NSND Lê Ngọc Cảnh (Lý Lại Ảnh), NSND Chu Thúy Quỳnh, TS Trần Đình Ngôn, tác giả Nguyễn Thế Khoán (Mịch Quang), GS.NSND Nguyễn Trọng Bằng, PGS Triệu Đạt Hiền (Chu Minh), tác giả Nguyễn Xuân Thiều, nhạc sĩ Hoàng Phi Hồng (Hoàng Hà, Cẩm Là), nhà văn Trần Hữu Mai, Nhạc sĩ Thuận Yến; Nhà thơ Xuân Quỳnh; nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSND Trần Bảng, Nhiếp ảnh gia Lương Nghĩa Dũng.