Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi bộ máy thừa lãnh đạo

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo giám sát của Quốc hội mới đây trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, bộ máy hành chính chẳng những không giảm mà lại càng phình to hơn.

 Đáng chú ý tình trạng này lại diễn ra ngay ở các bộ, ngành T.Ư, dẫn đến cảnh 7 - 9 cán bộ cùng nhau duyệt một văn bản do một nhân viên tham mưu trình lên. Xem ra, từ chủ trương đến thực thi vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Chủ trương tinh giản biên chế, làm tinh gọn bộ máy hành chính vốn được đặt ra từ lâu. Chính phủ các khóa trước, rồi đến Chính phủ khóa này, ngay từ những ngày đầu, Thủ tướng cũng đã cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy theo hướng giảm phiền hà, nhũng nhiễu, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan công quyền, phục vụ dân và DN một cách tốt nhất. Tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm được bao nhiều người hưởng lương từ ngân sách mà là chất lượng thực sự của việc sàng lọc ấy. Tức là phải loại ra khỏi bộ máy những người yếu kém về năng lực và đạo đức công vụ.
Thế nhưng, qua làm việc với 15 bộ ngành ở T.Ư và 15 tỉnh, TP, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn nhiều hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo. Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Xu hướng nâng cấp Vụ lên Cục diễn ra ở nhiều bộ.
Tâm lý nhìn nhau qua cái mác bên ngoài đang dần trở nên phổ biến, khiến không ít người,  không ít cơ quan, ai cũng muốn mình lớn thêm lên một chút trong mắt thiên hạ, nhất là lúc làm việc với đối tác, đặc biệt là khi cán bộ T.Ư về địa phương.
Thế nên mới có chuyện bên cạnh người có chức danh Vụ trưởng, Vụ phó thì nhiều bộ, ngành lại có thêm chức danh Hàm Vụ trưởng, Hàm Vụ phó. Thậm chí là Hàm trưởng phòng. Tình trạng này đã từng được các đại biểu Quốc hội Khóa XIII chất vấn, và câu trả lời của người đứng đầu ngành Nội vụ khi ấy viện dẫn là để “anh em xuống địa phương dễ làm việc!”. Bởi có ai là chuyên viên (dù là chuyên viên ở T.Ư), lại ngồi cùng mâm với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành!
Thế mới có chuyện gọn đầu mối các bộ nhưng lại sinh ra nhiều “bộ trong bộ”, khi số Tổng cục, Cục ngày càng nhiều hơn. Ai cũng muốn “tự làm lớn mình”, khiến cơ quan chỉ toàn thấy cán bộ. Chuyện văn bản do một chuyên viên soạn thảo phải trình qua 7 cấp từ Phó phòng, Trưởng phòng, Vụ phó, Vụ trưởng cho ý kiến; Thứ trưởng duyệt văn bản, và cuối cùng là Bộ trưởng xử lý, ký văn bản ban hành. Nếu ở những đơn vị cấp Tổng cục thì trước khi trình Thứ trưởng còn phải thêm xin ý kiến của Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục trưởng nữa, thì qui trình một văn bản, phải qua 9 tầng xử lý!
Đây có lẽ cũng là câu chuyện nực cười nhất được Đoàn giám sát của Quốc hội công khai trong báo cáo của mình. Còn báo chí thì hài hước hơn khi giật tít: “3 lãnh đạo “xài chung” 4 – 5 nhân viên”. Làm dư luận cứ tưởng như là cán bộ ở các cơ quan này có chuyện “chung đụng” gì vậy. Hóa ra chỉ là vì nhân viên thì ít, mà lãnh đạo thì nhiều, nên nhân viên phải phục vụ nhiều phòng, Vụ, Cục. 
Bộ ngành, địa phương nào cũng nêu quyết tâm tinh giản biên chế. Nhưng càng tinh giản bộ máy càng phình to;  đến 90% đối tượng tinh giản là người nghỉ hưu trước tuổi, người hưởng chính sách thôi việc ngay, hoặc người chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách… chưa tinh giản triệt để những người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém thì đó chỉ là quyết tâm nửa vời. Hoặc tinh giản mà cuối cùng, cơ quan chỉ toàn cán bộ lãnh đạo, người làm thì thiếu mà người chỉ tay năm ngón thì nhiều, sao có thể gọi đây là khâu đột phá để cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả của bộ máy công quyền!