Nhiều dịch vụ tiện ích
Trải qua chặng đường dài từ Quảng Bình ra Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hải (quận Đống Đa) khá hài lòng với hành trình di chuyển bằng tàu hỏa. Anh Hải cho biết, anh rất ngạc nhiên với các thay đổi của ngành đường sắt, nhất là thái độ phục vụ. "Năm ngoái, giá xe đẩy hàng lộn xộn, mỗi xe "hét" một giá cao ngất ngưởng khác nhau. Nhưng năm nay, giá vừa phải, còn nhân viên đẩy xe có thẻ đàng hoàng và ai cũng rất lịch sự" - anh Hải nói.
Dịp Tết Ất Mùi đã ghi nhận nhiều nỗ lực của ngành đường sắt. Từ trong đến ngoài ga, mọi hoạt động đều được đưa vào khuôn khổ. Thái độ, tác phong phục vụ của nhân viên thay đổi theo hướng tích cực, loại bỏ hoàn toàn sự quan liêu. Ga Hà Nội còn phủ sóng wifi miễn phí phục vụ hành khách, loại bỏ bán vé tiễn nên không còn tình trạng hành khách trốn vé, trong khi, phải có CMND, hành khách mới được lên tàu. Mỗi khi đoàn tàu sắp chuyển bánh hay về tới sân ga, các nhân viên được bố trí hướng dẫn tận tình đường đi cho các hành khách.
Chị Trần Thanh Hoa - nhân viên kế toán một công ty ở quận Cầu Giấy cho biết, quy định mới của ngành đường sắt không bán vé tiễn, người nhà không thể vào được trong sân ga, nên đồ đạc của gia đình được nhân viên đường sắt hỗ trợ vận chuyển miễn phí. Khi lên tàu, nhân viên phụ trách toa cũng hỗ trợ bê vác đồ đạc, và bế con lên tàu hộ. “Thậm chí, khi đi trên chuyến tàu NA4 Vinh - Hà Nội khởi hành lúc 19 giờ 40 phút ngày 23/2 (tức Mùng 5 Tết), nhân viên phụ trách toa 3 rất lịch sự khi chúc các hành khách ngủ ngon" - chị Hoa chia sẻ.
Hạn chế tình trạng trốn vé
Nếu trước đây, các chuyến tàu thường xuất hiện tình trạng hành khách trốn vé, đi tàu "chui", bồi dưỡng cho nhân viên để được lên tàu, thì năm nay, ngành đường sắt đã siết chặt quản lý, nhất là đội ngũ nhân viên nhà tàu. Không mua vé tàu ở ga, chị Nguyễn Hoài Anh (quận Thanh Xuân) định lên tàu và "thông cảm" với nhân viên đường sắt như mọi năm. Tuy nhiên, nhu cầu của chị bị từ chối nên phải quay lại phòng bán vé, để kịp đi chuyến tàu Vinh - Hà Nội.
Trước giờ khởi hành chuyến tàu NA2 Vinh - Hà Nội lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2 (tức mùng 4 Tết), phóng viên đã chứng kiến cuộc mặc cả của nhiều hành khách với các nhân viên phụ trách các toa tàu. Điều này cũng dễ hiểu bởi những chuyến tàu giờ đẹp "sốt" vé từ trước Tết. Có hành khách cho biết mua vé tàu NA2 từ ngày 27 Tết (15/2) cũng chỉ mua được ghế phụ, còn mấy ngày sau Tết, ghế phụ cũng không còn để mua. Trước sự mặc cả của các hành khách đi tàu không vé, các nhân viên đường sắt tỏ ra cương quyết: "Bọn em không cho các anh chị lên tàu được đâu. Nếu bị phát hiện, chúng em bị đuổi việc ngay".
Chấn chỉnh nạn taxi “chặt chém”
Hài lòng với thái độ phục vụ của ngành đường sắt, tuy nhiên, vẫn còn đó những ấm ức của hành khách đi tàu bị tài xế taxi bắt chẹt. Mỗi khi các chuyến tàu kết thúc hành trình, đa số các hành khách xuống tàu đều có nhu cầu đi taxi nên đã bị đội ngũ này làm kiêu, "chặt chém". Anh Trần Đức Trí (nhà ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, dịp Tết đi tàu về quê ở Nghệ An và trở lại Hà Nội, gia đình anh đều bị tài xế taxi bắt chẹt. "Vì mang theo nhiều đồ đạc, nên xuống tàu là chúng tôi có nhu cầu đi taxi luôn. Mặc dù taxi đỗ ngay trong sân ga nhưng họ chỉ nhận lời chở khách đi chặng dài. Nhà tôi cách ga Vinh 1km, nên các tài xế đều từ chối khéo khi hỏi địa chỉ. Còn các tài xế taxi phía ngoài nhà ga yêu cầu trả giá cao, từ 50.000 - 70.000 đồng với chặng đường 1km mới nhận lời chở" - anh Trí chia sẻ.
Xuống tàu tại ga Hà Nội lúc 5 giờ sáng mùng 6 Tết (24/2), gia đình anh Trí bắt được taxi ngay nhưng lại gặp phải tài xế chạy xe vòng vèo. Khi gia đình anh yêu cầu đi đúng khung đường mình đưa ra thì tài xế lại tỏ thái độ và nói rằng: "Dịp Tết có mấy xe taxi chạy tính tiền theo ki lô mét đâu. Hãng này tính tiền theo ki lô mét là may lắm rồi. Có xe để đi lại còn lắm đòi hỏi, yêu sách". Với chặng đường từ ga Hà Nội về nhà anh Trí ở phường Đại Mỗ, đồng hồ taxi tính tiền hơn 200.000 đồng, trong khi trước Tết, gia đình anh gọi xe taxi hãng Tây Đô cùng chặng đường đó chỉ phải trả 130.000 đồng.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay ghi nhận nhiều nỗ lực của ngành đường sắt, nhưng giá như nạn taxi "chặt chém" được chấn chỉnh, hành khách đi tàu xe sẽ cảm thấy phấn khởi biết bao nhiêu.
Hành khách đi tàu tại ga Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ảnh: Thái san
|