Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi làng nghề gặp khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, phần lớn các cơ sở sản xuất tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng thưa khách đến đặt hàng. Tuy nhiên, khi đời sống làng nghề bấp bênh, nhiều dịch vụ ăn theo lại phát triển.

Đến Bát Tràng thời gian này, khoảng không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm rộng rãi trước kia đã được nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở đây thu hẹp lại nhường chỗ để khách ngồi tự tay nặn, tô vẽ những sản phẩm gốm yêu thích. Các xưởng tô vẽ, nặn gốm gần đây, ngày nào cũng đón không ít khách, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
 
Khi làng nghề gặp khó - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa (Internet)

Có không ít đoàn học sinh từ nội thành, từ các thành phố lân cận đến tham gia. Ngoài ra, các đôi lứa yêu nhau, các nhóm bạn trẻ thích dã ngoại… cũng thường xuyên đến đây. So với việc bỏ vốn để sản xuất các sản phẩm gốm, số vốn cho ngành dịch vụ mới này không nhiều.

Chỉ cần một số bàn xoay, đất, bút, mực vẽ, tượng trắng là có thể lập một xưởng để đón khách đến tô vẽ, nặn gốm. Giá dịch vụ 15.000 - 30.000 đồng một lần tô vẽ, nặn tượng nếu không lấy sản phẩm khiến nhiều người sẵn sàng vào xưởng vẽ chơi. Còn nếu lấy sản phẩm, mức giá trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng (tùy sản phẩm) lấy ngay hoặc nung đốt. Hiện nay, các xưởng ở đây còn mở rộng các dịch vụ chuyển sản phẩm về tận nhà cho khách khi họ không muốn đợi lâu trong lúc chờ nung…

Thị trường thời gian tới, đặc biệt là thị trường gốm, sứ sẽ "ấm" trở lại là mong muốn chung của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Bát Tràng. Tuy nhiên, dịch vụ mới này cũng là hướng đi mới hiệu quả, một cách làm giúp làng nghề trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay.