KTĐT - Khi đồ ăn được dọn ra bàn, cô mới thong thả ngồi vào. Ăn xong, cô lại giục Trung đưa về luôn mà chẳng thèm ngó ngàng gì đến đống bát đũa đang ngổn ngang. Dù ngán ngẩm nhưng tôn trọng sự lựa chọn của con, ông bà vẫn chấp nhận Đào.
Bà Nhẫn sướng rơn khi con trai duy nhất cưới vợ. Nhưng không ngờ nhà thêm người thì bà lại càng vất vả, trước chỉ hầu chồng con, nay phải hầu thêm nàng dâu và cháu.
Từ ngày lập gia đình, bà Nhẫn chấp nhận làm hậu phương vững chắc để ông phấn đấu công danh sự nghiệp. Trước, bà sống ở quê để chăm sóc bố mẹ chồng, trong khi ông ở Hà Nội, làm lãnh đạo một cơ quan cấp bộ. Họ có cậu con trai duy nhất là Trung.
Từ khi ông Nhẫn được cấp đất làm nhà ở Hà Nội cả gia đình mới chuyển ra Thủ đô. Con trai bà đi làm một năm thì lấy vợ. Ông bà mừng lắm vì nhà hiếm hoi, hy vọng sớm có cháu bế. Nhưng nhà có thêm người, bà lại càng bận bịu, từ chỗ hầu chồng con, nay phải hầu thêm cả con dâu và cháu.
Con dâu sinh, mẹ chồng nuôi con mọn
Người vợ được Trung chọn lựa là Đào, một sinh viên vừa ra trường, chưa có công ăn việc làm, bố mẹ ở quê lại rất khó khăn. Ông bà không câu nệ chuyện này nhưng vẫn không đánh giá cao nàng dâu từ ngày đầu ra mắt. Đến nhà, Đào thản nhiên vắt chân ngồi ở phòng khách nói chuyện với bố Trung, mặc cho trong bếp, bà mẹ chồng tương lai và người giúp việc nấu nướng.
Khi đồ ăn được dọn ra bàn, cô mới thong thả ngồi vào. Ăn xong, cô lại giục Trung đưa về luôn mà chẳng thèm ngó ngàng gì đến đống bát đũa đang ngổn ngang. Dù ngán ngẩm nhưng tôn trọng sự lựa chọn của con, ông bà vẫn chấp nhận Đào.
Về làm dâu, Đào hầu như chẳng động tay động chân vào việc gì, mọi việc cô đều ỷ là đã có người giúp việc. Bố Trung xin cho Đào một chỗ làm tốt, lương cao trong một công ty là chỗ quen biết của ông. Thế là từ khi lấy chồng, Đào như được đổi đời, lột xác. Lương kiếm được Đào chỉ mải mê mua sắm ăn chơi cho bõ những ngày khốn khó. Chẳng bao giờ cô để ý đến việc nhà, thậm chí phòng ngủ của hai vợ chồng cô cũng mặc kệ người giúp việc lau dọn.
Bà Nhẫn là người hiền lành, chẳng những không xét nét gì con dâu mà ngược lại, bà còn phải hầu nàng dâu của mình. Khi Đào sinh con, ông bà Nhẫn được thằng cháu chống gậy nên những điều không hài lòng về nàng dâu đều được cho qua hết. Đào càng được thể. Thằng bé chưa đầy năm, cô đã đòi đi học thêm tại chức. Đào đi từ sáng sớm khi thằng bé chưa dậy, đến 22h cô mới về, khi con đã ngủ. Thế là đối với thằng bé, Đào chỉ có mỗi vai trò đẻ nó ra, còn mọi việc chăm sóc từ ăn uống, cháo sữa đến tắm giặt cho con đều do mẹ chồng và người giúp việc đảm nhiệm. Thằng bé chỉ theo bà, không theo mẹ, nhưng Đào chẳng bận tâm mà chỉ mừng vì càng được rảnh rỗi, tự do.
Bà Nhẫn từ khi có cháu thì bận tối mắt. Vốn quý cháu nên mọi việc liên quan đến thằng bé, bà đều tự tay làm chứ không giao cho người giúp việc. Trước đây vào ngày tuần, thỉnh thoảng bà đi lễ chùa cùng mấy bạn hàng xóm, giờ thì bà chịu, không đi đâu ra khỏi nhà được quá vài tiếng đồng hồ. Hôm vừa rồi, cơ quan ông Nhẫn mời bà đi nghỉ mấy ngày ở Tuần Châu nhưng bà phải từ chối vì còn lo cho cháu ở nhà.
Mọi người trong khu phố đều bảo nhà bà “nàng dâu đẻ mà mẹ chồng lại bận con mọn”. Bà Nhẫn thì bảo: “Thôi thì tôi có mỗi thằng con trai, bây giờ được thêm đứa cháu, mẹ nó lại vụng về không biết chăm con thì mình phải chăm, sau này già yếu còn mong có chỗ dựa...”.
Người giúp việc tận tụy
Bà Thoa ở thành phố Bắc Ninh cũng trở thành người giúp việc bất đắc dĩ cho con trai và con dâu trong chính ngôi nhà của mình. Nhà chỉ có hai mẹ con, khi Dũng, con trai bà, chưa lấy vợ, bà vẫn lo lắng, thu vén việc nhà, giặt giũ quần áo cho con trai. Nhiều hôm trời lạnh, tuy có máy giặt mà bà vẫn lụi cụi giặt quần áo bằng tay vì “giặt máy vừa tốn điện, tốn nước, lại không sạch”. Dũng nghĩ rằng khi mình lấy vợ, bà sẽ đỡ vất vả phần nào.
Nhưng Yến, vợ anh, lại là một tiểu thư quen được chiều chuộng. Từ bé cô chỉ biết đi học, rồi đi làm, mọi việc đã có mẹ lo. Đến cả việc nấu một bữa cơm hoàn chỉnh cô cũng chưa phải làm bao giờ. Thế nên khi về làm dâu, cô tuyên bố thẳng với mẹ chồng là không quen làm việc nhà, và sẽ thuê người giúp việc. Tiếc tiền và cũng muốn tiết kiệm cho các con, bà Thoa ngăn con thuê người và “ôm” hết mọi việc trong nhà.
Thế là từ đó, sáng sớm bà dậy đi chợ, mua đồ ăn sáng cho cả nhà, con dâu dậy chỉ việc ăn rồi đến cơ quan. Bà Thoa lụi cụi dọn rửa bát đĩa rồi quay ra lau nhà, quét sân, giặt giũ, phơi phóng... Chiều đến, bà lại chuẩn bị cơm nước đâu vào đấy trước khi các con về.
Có con dâu, bà vất vả hơn trước vì thêm người là thêm việc nhưng người làm thì vẫn chỉ có mỗi mình bà. Xóm giềng, họ hàng bất mãn thay cho bà, anh con trai cũng áy náy, nhưng bản thân anh chẳng giúp được gì. Góp ý với vợ thì Yến bảo: “Em đã nói ngay từ đầu là thuê người giúp rồi cơ mà, tại mẹ cứ thích tự làm khổ mình đấy chứ”. Mặc dù vậy, bà Thoa không trách con dâu vì cô yêu chồng, luôn tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép với mẹ, thỉnh thoảng lại mua biếu khi chiếc khăn, lúc bộ quần áo.
Chuyên gia Hà Vân, Trung tâm tư vấn Hạnh phúc gia đình (Hà Nội), cho rằng, trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ có xu hướng không thích vướng víu đến con cái, việc nhà dù không quá bận bịu. Họ có tư tưởng thuê người giúp việc làm thay mình, hoặc nếu có bố mẹ thì phó thác hoàn toàn cho bố mẹ lo. Đó là biểu hiện của tư tưởng tự do thái quá, “quên” thiên chức phụ nữ, đặc biệt là trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Ý nghĩ chỉ cần sinh con ra, còn việc nuôi dạy người khác có thể làm thay cho mình là hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ hay những người khác trong gia đình có thể chia sẻ công việc nhà để họ có thời gian làm công tác xã hội nhưng xét đến cùng, họ vẫn phải là linh hồn, là người giữ lửa ấm trong ngôi nhà của mình, nhất là trong nuôi dạy con cái.
Đối với các bà mẹ chồng vô tình bị biến thành “ôsin”, chuyên gia Hà Vân khuyên, cần góp ý kiến nghiêm túc, thẳng thắn để các cô dâu có tính ỷ lại nhận ra và sửa chữa. Nên nói chuyện với con dâu về phân công công việc trong nhà từ những ngày đầu để tránh rơi vào tình trạng phải làm người giúp việc cho con. Dù thương con thương cháu, các bà mẹ cũng không nên quá tận tụy mà làm hết cả phần việc của con, như thế dễ khiến các nàng dâu có tư tưởng dựa dẫm. “Có thể giúp đỡ con nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định chứ không phải là làm hộ tất cả”, bà Hà Vân nói.
Con trai cũng phải có trách nhiệm
Các chuyên gia tư vấn về hôn nhân gia đình cho rằng, trong những nhà mà mẹ bị biến thành người giúp việc, lỗi không chỉ thuộc về nàng dâu, mà chính các anh con trai cũng phải có trách nhiệm. Thường các anh chàng này cũng được “phục vụ tận răng” từ bé, nên đã quen hưởng sự chăm sóc. Vì thế khi đến lượt vợ mình giao phó hết gánh nặng cho mẹ, họ tuy cũng xót nhưng không thay đổi được tình hình. Anh Vũ Thảo, 45 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội, cũng là một trong số đó, nhưng rất may là cuối cùng anh cũng nhận ra vấn đề và quyết tâm khắc phục.
Thảo là con liệt sĩ, mẹ anh không đi bước nữa. Đã sớm mất chồng, sợ mất luôn đứa con vàng con bạc nên bà Thanh luôn bảo bọc Thảo theo kiểu gà mái ấp con. Vợ anh vốn không quá lười biếng, nhưng phải tính đoảng, đụng đâu vỡ đó, nấu gì hỏng đó. Muốn con trai có bữa cơm ngon, mẹ chồng giành lấy việc chợ búa, bếp núc. Rồi khi con dâu ở cữ, bà kiêm hết các việc khác trong nhà.
Dần dần, bà nghiễm nhiên thành người quán xuyến từ A đến Z mặc dù nàng dâu đã hết thời gian nuôi con mọn từ lâu. Xót mẹ cả ngày còng lưng với hàng trăm thứ việc không tên, Thảo trách móc, rồi quát vợ. “Sao anh cứ đổ cho em? Anh có đụng tay vào việc gì không? Đừng nghĩ là chỉ đàn bà mới phải làm nhé. Em cũng đi làm như anh thôi”, vợ Thảo cãi. Hai vợ chồng đỏ mặt tía tai, mắng nhau om sòm. Để cho êm cửa êm nhà, bà Thanh gạt đi: “Thôi các con đừng cãi nhau nữa, mẹ còn khỏe ngày nào thì còn giúp được các con ngày ấy”.
Mọi việc cứ thế trôi đi cho đến khi con trai đầu lòng của Thảo vào ĐH, cô con gái lên lớp 10. Ngày mở tiệc mừng con nhập trường, Thảo nhận ra mẹ đã già yếu khi bà run run áp mái đầu bạc vào ngực thằng cháu nội, cái lưng cong cong. Biết rằng sẽ là quá muộn nếu không lập tức giải thoát mẹ khỏi gánh nặng nội trợ, tối đó anh “họp kín” với vợ, kiên quyết yêu cầu chị lãnh lấy việc nhà. Và vì Thảo tuyên bố bản thân anh cũng tham gia nên người vợ không thể từ chối. “Mẹ nó lo chợ búa, cơm nước, rửa bát, bố giặt giũ phơi phóng, đổ rác, còn cái Hoa lau dọn nhà cửa, gập quần áo, cho mèo ăn, ai không hoàn thành sẽ phạt”, Thảo nói.
Qua mấy ngày đầu ngần ngại, vợ chồng con cái Thảo đều đã quen với việc nhà. Vợ anh từ khi phải sắp xếp thời gian cho nội trợ càng thấy thương mẹ chồng cặm cụi gần hai chục năm. Bà Thanh từ đó có thời gian thăm họ hàng, đi lễ chùa, lễ đền với mấy bà hàng xóm, tuy vẫn nhúc nhắc giúp con cháu những việc nhẹ trong nhà.
“Mẹ tôi trẻ, khỏe hẳn ra, mẹ chồng con dâu cũng yêu thương, thông cảm với nhau hơn trước. Không ngờ chỉ với việc tôi chịu tham gia giặt giũ mà lại được lợi nhiều đến thế”, anh Thảo nói.