Ì ạch và hầu như chưa triển khai xây dựng được lò giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại nào đang là thực trạng của Hà Nội dù TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Điều này dẫn đến thực trạng, lò mổ gia súc thủ công Thịnh Liệt đã được liệt vào danh sách lò mổ cần xóa bỏ từ vài năm nay nhưng đến thời điểm này, đây vẫn là nơi cung cấp phần lớn thịt lợn trên địa bàn dù mỗi lần kiểm tra là một lần vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Bẩn từ lò mổ đến chợ
Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Hà Nội, trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 400 tấn thịt gia súc, gia cầm. Nhưng hầu hết lượng thực phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ từ các lò mổ thủ công nhỏ lẻ, không đảm bảo ATVSTP. Bẩn từ lò mổ đến chợ, đó là thực tế mà nhiều năm nay các cấp, các ngành chức năng của Hà Nội ra sức chấn chỉnh nhưng chưa có bước chuyển biến nào đáng kể.
Ngay cả việc vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC), theo Quyết định 51, Quyết định 61/QĐ-UBND, các phương tiện vận chuyển GSGC phải bao gói kín sản phẩm trước khi vận chuyển vào TP, nhưng đến thời điểm này, hầu như không ai thực hiện.
Sau tháng ra quân (tháng 7) của lực lượng kiểm tra liên ngành gồm: Công an (CSGT và Cảnh sát môi trường), quản lý thị trường (QLTT), và lực lượng thú y, hàng trăm trường hợp vi phạm đã được nhắc nhở nhưng đến thời điểm này, việc vi phạm vận chuyển GSGC còn nhiều hơn trước, nhất là khi lượng thịt lưu thông trong những ngày giáp Tết tăng mạnh.
"Số phận" của 200 chiếc thùng được sở Công thương cấp phát miễn phí cho người kinh doanh thịt lợn, thịt gia cầm đựng thực phẩm sau giết mổ vận chuyển từ lò mổ đến chợ cũng bị bỏ không, xếp xó dù kinh phí để mua những chiếc thùng này không nhỏ. 4-5 con lợn được vắt ngang, chồng chất trên xe máy cứ việc lê đường từ lò mổ đến chợ.
Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, khó có thể "ép" người kinh doanh thực hiện quy định này vì thay đổi một thói quen không phải là điều dễ dàng.
Xây lò mổ hiện đại, vướng cơ chế và ngân sách
Hàng chục cuộc họp bàn mỗi năm cũng vẫn chưa đưa ra được phương án nào tối ưu để nhanh chóng triển khai xây dựng các lò giết mổ công nghiệp hiện đại. Nếu theo đúng kế hoạch đã được TP phê duyệt về việc xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung, công nghiệp trên địa bàn TP, đến năm 2010, Hà Nội sẽ có 7 cơ sở giết mổ, chế biến GSGC hiện đại theo hướng tập trung, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân. Và đến năm 2011, sẽ chấm dứt việc giết mổ nhỏ lẻ.
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC, TP đã có nhiều chính sách ưu đãi như giảm 50% đơn giá thuê đất; được vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng với mức tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án; được ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải...
Tuy nhiên, dù đã có những chính sách "trải thảm đỏ" nhưng nhiều dự án vẫn ì ạch, chưa triển khai được khiến chủ đầu tư sốt ruột, lãnh đạo TP không có phương án giải quyết dứt điểm nên đến thời điểm này, 7 dự án trên hầu hết vẫn đang trong quá trình thẩm định duyệt quy hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, "Chỉ khi nào Hà Nội có từ 3-4 nhà máy giết mổ công nghiệp đi vào hoạt động, cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng, TP sẽ cùng với các cấp, các ngành thực hiện cấm triệt để việc giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, đặc biệt là lò mổ Thịnh Liệt. Hiện nay, do chưa có cơ sở giết mổ công nghiệp nào đi vào hoạt động, nên chưa thể thực hiện cấm giết mổ thủ công".
Nhưng về phía doanh nghiệp, ông Phan Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico) cho biết, hiện tại, Handico được giao xây dựng 3 cơ sở giết mổ GSGC tập trung ở phía Tây TP, song đến nay vẫn vướng mắc khâu chờ duyệt địa điểm, dù hồ sơ đã trình lên các sở, ban, ngành từ lâu. Doanh nghiệp này có dự án xây dựng cơ sở giết mổ thay đổi địa điểm đến 5 lần vẫn chưa được giao đất. Thêm nữa, đã có một số cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp đã ra đời, song không chiếm lĩnh được thị trường nên dần đi vào thất bại. Đây là điều khiến các doanh nghiệp lo lắng.
Ông Lê Đình Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (Foodex) nêu dẫn chứng, cách đây 6 tháng, Foodex đã mạnh dạn bỏ ra trên 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền giết mổ lợn với công suất 600 con/ngày, song khi đi vào hoạt động do không có thị trường đầu ra nên nhà máy chỉ hoạt động được 10% công suất. Theo tính toán, nếu giết mổ đơn thuần, không chế biến, mỗi con lợn chỉ thu lợi nhuận khoảng 10%, bởi vậy, công ty đang chịu lỗ.
Ngược lại những điểm "khó" mà doanh nghiệp đưa ra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng nhận định, một phần sự chậm trễ từ các dự án giết mổ GSGC công nghiệp cũng xuất phát từ chính các nhà đầu tư. Để khuyến khích các nhà đầu tư, UBND TP đã có một số cơ chế ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất, cho vay vốn xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư toàn bộ công nghệ xử lý nước thải. Lợi dụng chính sách này, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.
"Các chủ đầu tư lập dự án xây dựng dù chỉ giết mổ với công suất 600 con lợn/ngày song vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Doanh số đầu tư lớn có khi không bù nổi chi phí, làm ăn thua lỗ doanh nghiệp lại đổ lỗi do không cạnh tranh được với giết mổ thủ công", ông Tưởng cho biết.
Do chưa có sự thống nhất giữa doanh nghiệp với TP nên đến thời điểm này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vẫn đang giao cho các ngành nghiên cứu để tìm ra một mức chung áp dụng cho tất cả các cơ sở. Và như vậy, sớm nhất đến năm 2011 mới có dự án xây dựng cơ sở giết mổ GSGC đầu tiên đi vào hoạt động.
Và Tết Nguyên đán năm nay, người dân Hà Nội sẽ vẫn sử dụng thịt lợn được giết mổ từ những cơ sở không đảm bảo vệ sinh. Nhu cầu được sử dụng thịt lợn sạch sẽ vẫn chỉ là "giấc mơ" của hàng triệu người dân TP.