Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi thầy thuốc biết ơn người bệnh

Hải Lý thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫu còn những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, những trăn trở, băn khoăn, nhưng 2017 được coi là năm gặt hái nhiều thành công của ngành y tế Thủ đô. Và đích đến của ngành là đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Nhân dịp năm mới 2018, TS Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về đích đến này.

 TS Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội 
3 khâu đột phá

Theo ông, những “điểm nhấn” của ngành y tế Thủ đô trong năm 2017 là gì?

- Chúng tôi đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược: Đột phá về cơ sở hạ tầng, về công nghệ và nhân lực. Đặc biệt, trong công tác khám, chữa bệnh, ngành y tế đang chỉ đạo thực hiện hàng loạt các biện pháp đổi mới: Đổi mới về mặt quan điểm, nhận thức, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ; đổi mới về quản lý; đổi mới về cách làm và đổi mới về phong cách, thái độ phục vụ.
Về cơ sở hạ tầng, đã đầu tư thêm giường bệnh, trang thiết bị y tế hiện đại, cải tạo cơ sở vật chất từ tuyến TP đến các quận, huyện nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện (BV). Ngành cũng đã tập trung thiết lập và mở rộng nhiều hình thức để lắng nghe phản ánh của người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, xã hội vào việc nâng cao chất lượng khám bệnh qua hình thức đường dây nóng, hộp thư góp ý trong BV.

Hà Nội khá thành công trong phát triển y tế kỹ thuật cao, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến dưới và tuyến trên, ông có thể cho biết rõ hơn về việc này?

- Có thể nói, thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển kỹ thuật cao từ tuyến quận, huyện và BV TP. Trong đó, nổi bật là việc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, BV Xanh Pôn đi vào hoạt động ổn định. Hiện Trung tâm đã thực hiện kỹ thuật mổ nội soi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu bằng trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Trung tâm thu hút ngày càng đông bệnh nhân đến khám và điều trị, trở thành mô hình đột phá của ngành y tế. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện ghép thận thường quy tại BV Xanh Pôn, phát triển kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sau sinh tại BV Phụ sản Hà Nội, xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, nút mạch hóa dầu trong điều trị ung thư gan nguyên phát tại BV Ung bướu Hà Nội…

 Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Hải Lý
Bên cạnh đó, 100% BV tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến. Bệnh viện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng triển khai kỹ thuật thận nhân tạo. Nhiều BV tuyến huyện khác phát triển các kỹ thuật của BV hạng 1 trong các lĩnh vực Ngoại khoa, Sản khoa, Tim mạch.
Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Cùng với cả nước, thời gian qua Hà Nội đã quyết liệt “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện?

- Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, chúng tôi tạo sự tương tác tăng cường mối quan hệ thân thiện giữa cán bộ, nhân viên y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân. 14 BV trong ngành đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng với nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, gia đình người bệnh khi đến BV. Tôn trọng, lắng nghe phản ánh, bức xúc của người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành duy trì triển khai, kiện toàn, thực hiện tốt xử lý thông tin đường dây nóng.

Đặc biệt, các đơn vị y tế cũng đã cải cách các thủ tục hành chính (từ 9 bước rút xuống còn 4 – 5 bước). Nhờ đó, quy trình khám chữa bệnh được rút ngắn đáng kể, thời gian chờ đợi của người bệnh giảm trung bình khoảng 5 – 9 phút. Một số BV như Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Hoài Đức… đã áp dụng dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Qua đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, có 14 đơn vị đạt mức 1 (trên 90 điểm), có 25 đơn vị đạt mức 2 (từ 80 - 90 điểm) và 2 đơn vị đạt mức 3 (từ 70 - 80 điểm).

Tới đây, Sở Y tế sẽ có những đợt tăng cường kiểm tra, giám sát và khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế tha hóa, biến chất, mất phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Trình độ nhân lực vẫn là yếu tố tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng điều trị, vậy, công tác đào tạo đội ngũ y, bác sĩ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Xác định đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Sở đã yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Hàng năm số cán bộ được cử đi học chiếm 10 - 15% tổng số biên chế của các đơn vị. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Sở đã phối hợp với ĐH Y Hà Nội đào tạo 65 bác sĩ nội trú; 180 bác sĩ Y học dự phòng để bổ sung nhân lực cho tuyến y tế dự phòng, 255 bác sĩ Y học gia đình.

Ngoài việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ trong, ngoài nước, năm 2017 Sở Y tế đã mời chuyên gia của Pháp sang đào tạo phẫu thuật nội soi tiêu hóa xâm lấn tối thiểu tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, đến nay đã đào tạo được 6 kíp phẫu thuật nội soi cho các BV như Xanh Pôn, Ung bướu, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông. Trong năm 2018, công tác đào tạo bác sĩ trình độ cao tiếp tục được ngành y tế chú trọng.

Biết ơn người bệnh

Đầu tư cơ sở vật chất, phát triển kỹ thuật cao thì dễ, nhưng cải thiện y đức người thầy thuốc xem ra còn nhiều gian nan, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đúng vậy, dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn của mình, mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh. Thực hiện tốt những vấn đề về y đức và y nghiệp, cả bệnh nhân và BV đều có lợi. Bởi bệnh nhân không chỉ cần chữa bệnh bằng thuốc, mà còn cần được chia sẻ, động viên từ người thầy thuốc. Đã đến lúc BV phải xác định bệnh nhân là khách hàng, việc phục vụ phải nhiệt tình, chu đáo. Mỗi bác sĩ phải biết cảm ơn người bệnh, bởi người bệnh đã cho mình cơ hội phát triển chuyên môn, gắn bó với nghề.

Sau kiểm tra chất lượng BV năm 2017, Sở Y tế Hà Nội sẽ đánh giá các nội dung đã làm được, chưa làm được, nhìn nhận những hạn chế, yếu kém của ngành để tìm cách khắc phục trong thời gian tới.

Nhiều người cho rằng, chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc chưa tương xứng với sự cống hiến, hi sinh của một nghề rất đặc biệt, ông có muốn chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Chương trình đào tạo bác sĩ khá dài, 6 năm liền, để được hành nghề, bác sĩ phải học thêm 1,5 năm. Đó là chưa kể phải học chuyên khoa một (2 năm) và chuyên khoa hai (3 năm) mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhưng chế độ lương cho đội ngũ bác sĩ hiện nay chưa tương xứng với công sức lao động. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 20, Hội nghị T.Ư 6 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới khẳng định, nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chúng tôi hi vọng, thời gian tới, sẽ có những thay đổi trong chế độ chính sách đãi ngộ thầy thuốc hợp lý hơn, bắt đầu bằng việc tăng bậc lương khởi điểm. Bên cạnh đó, bằng việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, từ nay đến năm 2020, giá viện phí sẽ tính đủ, tính đủ các yếu tố cấu thành, đời sống cán bộ nhân viên y tế hi vọng sẽ được cải thiện.

Xin cảm ơn ông!