Có lẽ hai từ "vi hành" ở đây cũng không hoàn toàn chính xác như kiểu xưa kia nhà vua thường hay làm. Nhưng về cơ bản thì cũng là vậy, bởi Thủ tướng đi gọn nhẹ, bất ngờ.
Trong thời buổi công nghệ thông tin như bây giờ, chắc khó để làm chuyện cải trang rồi "vi hành" này. Mà cũng không cần phải thế khi Hà Nội vẫn xem là nơi an bình trong mắt người dân Thủ đô và du khách...
Để có dịp tận mắt biết được chu trình của các loại rau quả có sự vận hành từ vườn, ruộng của người nông dân đến cái dạ dày của người tiêu dùng ra sao, Thủ tướng đã bất ngờ thăm và tìm hiểu từ nơi tiêu thụ, trung chuyển là chợ rau quả đầu mối Long Biên trước khi đi thăm nơi nuôi trồng ở huyện Gia Lâm bên kia sông Hồng.
Với quyết tâm lập lại trật tự trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng đã quyết định bí mật trực tiếp kiểm tra tại chợ đầu mối và đến tận chân ruộng, nơi sản xuất rau, quả để gặp, từ tiểu thương cho đến nông dân trước khi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội.
Mới gần 5 giờ sáng, Thủ tướng đã xuống xe ở cổng chợ rồi rảo bước vào chính trung tâm chợ đầu mối rau quả lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội. Rất nhiều người dân đã hết sức bất ngờ về sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ. Nhiều người trong khu chợ, từ người buôn bán, lái xe và bốc vác đã nhanh chân chạy đến chụp hình Thủ tướng làm kỷ niệm. Điều đó càng cho thấy dân và lãnh đạo Đảng, Nhà nước thật gần gũi, chân tình...
Để đảm bảo an ninh trật tự, Thủ tướng và lãnh đạo một số bộ có liên quan chỉ đi gọn gàng trong 2 chiếc xe đến chợ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có mặt ở đây để muốn biết thêm thông tin trước lúc Thủ tướng xuất hiện, nhỡ ra ông hỏi để còn báo cáo (?!).
Có lẽ, Thủ tướng cũng đã quá hiểu và rất lo lắng trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm sao cho thật an toàn đối với người dân hôm nay. Đó cũng đang là mối lo của toàn xã hội, không riêng gì Hà Nội - một TP lớn có 12 quận với trên 3,2 triệu người sinh sống trong nội đô. Nếu không có biện pháp rốt ráo và kiểm soát chặt chẽ, sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân, dù họ là ai trong xã hội và về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc.
Một chủ trương đúng được ban hành rộng rãi nhiều khi cần được bắt đầu từ thực tiễn cuộc sống mà ra. Trong những năm qua, theo xu thế làm ăn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản..., các DN tư nhân đã mạnh dạn đầu tư lớn vào đây mà không ngại rủi ro. Trong lúc mới hình thành và bước đầu đáp ứng nông sản sạch cho thị trường, họ cũng đã chiếm được cảm tình và tin cậy của người tiêu dùng . Song, có lẽ nổi hơn cả mới có Tập đoàn Vingroup trong lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Sứ mệnh của VinEco là cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt và các thế hệ tương lai, tiến tới việc đưa một số nông sản có thế mạnh của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể một sớm một chiều sản phẩm của họ đã có thể "bao" hết cả nước. Nó đòi hỏi phải có nhiều, rất nhiều DN khác cùng làm và áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Sở dĩ người tiêu dùng không phải ai cũng đều biết và chấp nhận dùng nó là bởi giá cả của nó có thể còn cao. Hơn nữa, cũng có những DN sản xuất khác lại" đi tắt", chưa thật đúng quy trình của công nghệ với mục tiêu là để hạ giá thấp đi nhưng vẫn mang danh" thực phẩm sạch, an toàn"... để cạnh tranh nhau, rất quyết liệt.
Chính vì thế, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách, vận động và khuyến khích nông dân cùng sản xuất theo xu hướng này. Chỉ có tiến hành đồng bộ như thế, mọi sản phẩm nông nghiệp của họ mới có thể đảm bảo để người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ lâu dài hơn và dùng nó hàng ngày, dù có là của ai sản xuất. Với sứ mệnh thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người Việt Nam, sự xuất hiện của các DN kiểu như của VinEco hy vọng sẽ tạo nên hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các DN, nông dân và toàn xã hội cùng hướng tới một nền nông nghiệp sạch, vì sức khỏe của người dân và tương lai lâu dài cho các thế hệ mai sau.