Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi “Tổ công tác đặc biệt” vào cuộc

Tiến Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt tác động tiêu cực chưa có tiền lệ đến nền kinh tế. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong chỉ đạo điều hành đã thể hiện sự quyết tâm, linh động của Chính phủ; sự thống thất hành động trong các cấp chính quyền…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trở nên cực kỳ nguy hiểm, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng, trong đó cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác luật để chống dịch. Đây là một quyết định kịp thời khi đất nước có tình trạng khẩn cấp. Và chính sách "thời chiến" đã được áp dụng để chống lại "giặc" Covid-19.
Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt đã phát sinh một số vấn đề về lưu thông, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản. Người dân ở vựa nông sản lớn nhất nước tại Khu vực ĐBSCL hoang mang, lo lắng.
Trước tình hình đó ngày 18/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập "Tổ công tác đặc biệt" phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thành lập ngay "Tổ công tác đặc biệt" phòng, chống Covid-19 của từng Bộ tại TP Hồ Chí Minh, do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp, để phối hợp chặt chẽ giữa địa phương này với các tỉnh, thành phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan. Tổ công tác đặc biệt hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt (còn gọi là Tổ công tác 970) với nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng và tiêu thụ nông sản tại 19 tỉnh, TP phía Nam. Tổ công tác có 14 thành viên, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ông Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ giữ vững cung - cầu nông sản trong mùa dịch, tránh tình trạng ách tắc hàng hóa; kết nối cung ứng nông sản kịp thời cho TP Hồ Chí Minh; cung ứng nông sản cho những cơ sở, DN chế biến nông - lâm - thủy sản xuất khẩu...
Tính đến đầu tháng 8/2021, Tổ công tác 970 đã kết nối được hơn 1.140 đầu mối cung ứng, tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, có 72 cơ quan Nhà nước và 20 đơn vị khác từ trưởng ấp đến thương lái cũng tham gia vào mạng lưới này. Hàng trăm hợp đồng lớn nhỏ trong và ngoài nước đã được ký kết, trong đó có hợp đồng lên đến 1.000 tấn thủy sản xuất khẩu sang Singapore. Hơn 25.000 tấn nhãn xuồng ở Sóc Trăng cũng đã tìm được lối ra với giá có lời cho nông dân.
Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được mạng lưới nguồn cung đa dạng. Việc bán hàng cũng chuyển mạnh qua công nghệ điện tử như kết nối sàn giao dịch, qua Email, Zalo... Mô hình siêu thị hàng Việt trên các sàn Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada... cũng đang được thử nghiệm để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương. Lãnh đạo nhiều địa phương cũng đã thể hiện sự năng động, nhanh nhạy trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân. Vụ chỉ đạo "giải cứu" kịp thời hàng chục nghìn tấn hành tím và hàng trăm tấn sữa bò ở tỉnh Sóc Trăng gần đây là một ví dụ điển hình.
Có thể thấy, từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến việc thực thi, điều hành ở các bộ, ngành chức năng và các tỉnh, thành, nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản cho dân đã được tháo gỡ. Qua đây cho thấy dấu ấn của Chính phủ kiến tạo khi lấy Nhân dân làm trung tâm phục vụ, thể hiện sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ với DN, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân...