Năm 2017, dù còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều tên tuổi lớn như VNPT, VinaPhone, MobiFone, Vinhomes, Vietnam Airlines… đã nhìn nhận đúng đắn về giá trị thương hiệu để phát triển DN. Điều đó đã được khẳng định khi các DN này lọt vào Top 50 DN thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được Brand Finance và Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam chứng nhận. Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá). Trong đó, tổng giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được ghi nhận đạt 11,279 tỷ USD.
|
Nhờ áp dụng công nghệ và có chiến lược xây dựng thương hiệu, Công ty CP 4P (Văn Giang, Hưng Yên) đã trở thành nhà cung cấp linh kiện điện tử cho hãng LG. Ảnh: Khắc Kiên |
Theo các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý, năng lực cạnh tranh từ thương hiệu của DN là rất quan trọng. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian qua, các DN Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa. “Những hạn chế đó làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam” - ông Vũ Bá Phú chỉ ra.
Lắng nghe để đồng hànhPhó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho rằng, DN đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm vùng miền và thương hiệu Việt. Song, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, các sản phẩm Việt Nam mặc dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn nhiều yếu điểm như chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt… Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ…
Thực tế cũng chỉ ra, DN cần nhận thức rõ về hội nhập và cạnh tranh để tận dụng cơ hội đem lại lợi ích nhiều hơn. Từ thay đổi nhận thức và tập quán kinh doanh truyền thống, sang một ngành thương mại có hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng không hề dễ dàng và đơn giản. Do đó, DN sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. DN phân phối cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các DN, hộ nông dân... trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng tới người tiêu dùng Việt Nam cũng như xuất khẩu.
Trước những kiến nghị của một số DN về việc bảo vệ thương hiệu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga thông tin, Bộ Công Thương đã có kênh thương mại điện tử để nhận diện, bên cạnh đó lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế thường xuyên kiểm tra, lực lượng thuế đã công khai các DN nợ, trốn thuế… Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng để có lực lượng chuyên sâu hơn nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN chân chính hoạt đông.