Những ngày qua, dư luận xôn xao trước đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia về việc cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm TNGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó đề xuất phạt nặng một số hành vi nguy hiểm dễ gây TNGT như tịch thu xe máy nếu đi vào đường cao tốc; tịch thu ô tô nếu người điều khiển phương tiện trong máu có nồng độ cồn quá cao. Đề xuất này cũng có nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều
Khó đưa vào thực tiễn
Theo Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc người điều khiển xe ô tô, xe mô tô khi đã uống rượu bia là hành vi nguy hiểm đến cộng đồng và xã hội. Nhưng với hành vi như vậy mà chúng ta có chế tài tịch thu phương tiện là vấn đề cần phải xem xét vì nó có nhiều điểm chưa phù hợp với đời sống thực tiễn của xã hội. Bởi, điều này vi phạm vào quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cá nhân và tổ chức mà Hiến pháp và bộ luật dân sự đã quy định.Ngoài ra, mô tô và xe máy là tài sản lớn đối với gia đình và tổ chức khác như DN, cơ quan Nhà nước, nhiều khi chỉ một mình người lái xe vi phạm mà gây ảnh hưởng xấu đến gia đình và cơ quan, tổ chức là điều không công bằng.
Lý giải về điều này, ông Bùi Quang Thu cho biết, xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, khi người chồng lái xe ô tô vi phạm, uống rượu có nồng độ cao, xe ô tô bị tịch thu, điều này thật không công bằng với gia đình và vợ con anh ta khi họ cũng có một phần tài sản trong chiếc ô tô đó. Hay lái xe ô tô làm việc cho cơ quan Nhà nước, DN tư nhân, mà anh ta có uống rượu khi lái xe ô tô là tài sản thuộc sở hữu của DN, khi đó chúng ta tịch thu tài sản của các đơn vị đó liệu có hợp lý. Ngoài ra, với dịch vụ cho thuê xe tự lái, người thuê xe vi phạm mà đơn vị cho thuê xe bị mất xe là điều vô lý. Đó là chưa kể đến việc nhiều xe ô tô của lực lượng quốc phòng, an ninh, lái xe đôi khi cũng vi phạm, mà lúc đó chúng ta lại tịch thu tài sản của các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc là điều vô lý. Đơn cử, vào ngày áp Tết Ất Mùi 2015, một lái xe là quân nhân, khi lái xe của lực lượng quốc phòng đã uống rượu, rồi gây tai nạn chết 5 người ở Hưng Yên. Vì hành vi này của quân nhân uống rượu lái xe mà tịch thu tài sản của Bộ Quốc phòng liệu có đúng không?
Đa dạng các hình thức xử phạt
Liên quan đến những đề xuất trên, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng những hành vi vi phạm giao thông mà Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra đều là vi phạm hành chính, theo các quy định hiện hành chưa tới mức bị tịch thu phương tiện. Ô tô, xe máy là tài sản khá lớn, thậm chí rất lớn của mỗi người dân. Xe của người dân, đâu phải muốn là tịch thu được.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, với những vi phạm như vậy chỉ nên dừng lại ở mức xử bằng tiền thật nặng, tạm giữ giấy tờ, treo bằng lái hoặc tịch thu bằng lái vĩnh viễn thôi, còn không nên tính tới chuyện tịch thu xe bởi sẽ kéo theo nhiều phức tạp khác. "Muốn ngăn chặn việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, thường xuyên túc trực, kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực tập trung nhiều quán nhậu, địa bàn giao thông trọng điểm" - ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đề xuất tịch thu phương tiện mà Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra là không hợp lý. "Nếu cần thiết, ngoài việc phạt tiền, Nhà nước nên áp dụng các hình phạt bổ sung quyết liệt hơn như phạt đi lao động công ích. Tôi tin, hình thức xử phạt này sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều việc tịch thu phương tiện vi phạm" - Luật sư Bùi Quang Thu nêu ý kiến.
Kinhtedothi - Người điều khiển xe máy đi vào đường Cao tốc trên cao (Vành đai 3 trên cao) ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Xung quanh đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây TNGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3. |