Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Phương Ngọc Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu khác, chỉ tiêu về CPI (chỉ số giá tiêu dùng) có vai trò rất quan trọng. Để duy trì được kết quả kép từ năm trước (tăng trưởng vượt chỉ tiêu, CPI tăng thấp hơn chỉ tiêu), cần nhận diện "tiến độ" trong 5 tháng và dự báo cả năm 2019.

 Hàng may mặc là 1 trong 5 nhóm giá bình quân tăng cao hơn cùng kỳ. Ảnh: Hải Linh
“Tiến độ” 5 tháng

Theo thống kê, tốc độ tăng CPI bình quân năm qua các tháng và 5 tháng đầu năm cho thấy, tuy cùng một điểm xuất phát, nhưng CPI bình quân trong các kỳ sau (2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng) của năm nay đều thấp hơn của cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 6 nhóm bình quân 5 tháng năm nay tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, chỉ có 5 nhóm giá bình quân tăng cao hơn cùng kỳ (Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 4,64%/0,79%; đồ uống và thuốc lá 1,75%/1,36%; may mặc, giày dép và mũ nón 1,72%/1,40%; thiết bị và đồ dùng gia đình 1,32%/1,20%; văn hóa, giải trí và du lịch 1,95%/1,04%).

Có 9 nhóm tăng với tốc độ tăng bình quân 5 tháng thấp hơn tốc độ tăng chung của 5 tháng năm nay như: Đồ uống và thuốc lá, may mặc, giày dép và mũ nón, nhà ở và vật liệu xây dựng, thuốc và dịch vụ y tế, giao thông...

Đây là kết quả tích cực do tác động của nhiều yếu tố. Có yếu tố quan trọng là tăng trưởng tín dụng vừa thấp hơn của cùng kỳ năm trước, vừa thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng theo định hướng của cả năm. Có yếu tố do tốc độ tăng của sản xuất tiếp tục đạt khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng của tích lũy tài sản và cao hơn tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng. Trong khi xuất khẩu 5 tháng năm nay tăng chậm hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (6,7% so với 17,5%), đặc biệt có nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu còn bị giảm (như gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn, thủy tinh, điện thoại...). Có yếu tố do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng năm nay nhập khẩu tăng 10,3%, xuất khẩu tăng 6,7%).

Dự báo cả năm 2019

“Tiến độ” nói trên của 5 tháng qua tuy tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng lại có xu hướng cao lên qua các tháng. Xu hướng này sẽ cùng với các yếu tố tác động trong thời gian tới sẽ làm cơ sở để dự báo CPI cả năm 2019.

Các yếu tố tác động đến CPI trong thời gian tới có nhiều. Giá điện tăng với tốc độ khá cao (cao gấp đôi tốc độ tăng CPI chung theo kế hoạch cả năm), cộng hưởng với yếu tố thời tiết nóng lên bất thường và giá điện theo bảng lũy tiến sử dụng, làm cho giá điện càng tăng cao, không những trực tiếp tác động đến CPI chung mà còn gián tiếp kéo giá cả các mặt hàng khác lên theo theo kiểu “nước lên thuyền lên”.

Giá xăng dầu trong nước đã giảm, nhưng giá xăng dầu trên thế giới vẫn khó dự đoán. Giá các loại dịch vụ như y tế, giáo dục đã được giãn, hoãn trong năm trước sẽ tăng “bù” trong năm nay. Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng 5 tháng qua, có một số nhóm có tốc độ tăng giá bình quân cao hơn tốc độ tăng CPI bình quân chung (như giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong đó tăng cao hơn nữa có thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, giá dịch vụ giáo dục).

Tỷ giá VND/USD sau mấy tháng (tháng sau so với tháng trước) giảm, bình quân 5 tháng năm nay tỷ giá VND/USD so với cùng kỳ năm trước đã tăng khá cao (2,18%, cùng kỳ tăng 0,09%). Tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động về 3 mặt: Vừa làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng và tác động đến tâm lý người dân. Nếu phải can thiệp để ổn định tỷ giá thì phải bán USD dự trữ, trong khi dự trữ ngoại hối dù đạt kỷ lục (65,5 tỷ USD), nhưng cũng chỉ vừa mới vượt qua ranh giới an toàn tài chính (tương đương với 3 tháng nhập khẩu).

Tỷ lệ thực hiện kế hoạch cả năm của đầu tư công, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách còn ở mức thấp từ đầu năm đến nay, sẽ cao lên trong những tháng còn lại của năm. Khi vốn đầu tư tăng lên thì lạm phát cũng dễ tăng lên theo.

Các yếu tố trên sẽ làm cho CPI bình quân trong thời kỳ tới sẽ tiếp tục xu hướng tăng cao và có thể sẽ vượt quá mốc 4% như kế hoạch năm đã đề ra, không “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” như vài ba năm trước. Đây là sự cảnh báo cần thiết.