Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó như bán bản quyền truyền hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Mấy ngày nay, các đội bóng bắt đầu có ý kiến về việc không được chia tiền bản qu...

Kinhtedothi -  Mấy ngày nay, các đội bóng bắt đầu có ý kiến về việc không được chia tiền bản quyền truyền hình như trước. Khi giải còn do VFF tổ chức, nguồn thu từ bản quyền dù được chia chỉ từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng một mùa nhưng các đội bóng vẫn thấy có ý nghĩa. Nhưng giờ, số tiền ít ỏi đó không còn do Ban Tổ chức (BTC) giải không thể bán bản quyền cho nhà đài.

 Hồi mới nắm quyền điều hành VPF, bầu Kiên và các đồng nghiệp của mình đã đòi bằng được quyền sở hữu bản quyền V-League. Trước đó, VFF đã bán bản quyền các giải đấu quốc nội cho AVG với giá khởi điểm là 6 tỷ đồng có lũy tiến hàng năm. Bên cạnh số tiền cứng, AVG còn đảm bảo với VFF rằng, tất cả các trận đấu ở hạng Nhất, V-League và Cúp Quốc gia đều được tường thuật. Thậm chí, các trận đấu bóng đá trẻ, tuyển quốc gia cũng được lên sóng thường xuyên.
Một pha tranh bóng trong trận đấu giữa HAGL và Thanh Hóa
Một pha tranh bóng trong trận đấu giữa HAGL và Thanh Hóa
Thế nhưng, khi kiểm soát VPF, bầu Kiên đã vẽ ra một kế hoạch đầy tham vọng là họ sẽ mời hàng chục DN tham gia bảo trợ cho bóng đá. Số tiền mà VPF dự định thu về lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Món hàng mà VPF bán cho nhà bảo trợ chính là thời lượng quảng cáo ở các trận đấu bóng đá.

Con số mà bầu Kiên đưa ra đã khiến cả làng bóng đá bị sốc. Các đội bóng nhao nhao ủng hộ bởi họ tin, một ngày không xa sẽ sống được bằng bản quyền. Chỉ có điều, mọi chuyện sau đó lâm vào ngõ cụt khi các nhà bảo trợ bỏ chạy khỏi bóng đá. Hệ lụy chưa dừng lại với V-League khi từ chỗ thu được tiền từ bản quyền, BTC giải phải cho không vì không biết bán cho ai.

Khi bỏ tiền mua sóng V-League, AVG tính đến việc đầu tư cho tương lai. Sự hiện diện của họ tạo ra cạnh tranh trong làng truyền hình thể thao bởi các đài khác buộc phải mua bản quyền nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi, qua đó mất luôn khách hàng. Nhưng giờ thì khác, các đài truyền hình được cho không bản quyền trong suốt 3 năm qua và BTC giải không biết làm cách nào để bán sản phẩm mình đang có.

Cái khó của VPF lúc này là họ không biết bán bản quyền cho ai khi mà nhà đài chưa có ý định đóng góp vào sự phát triển của bóng đá. 

Nhưng, cái khó nhất của VPF chính là việc, họ chưa có một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Bởi, nói cho cùng, V-League dù không hấp dẫn bằng giải Ngoại hạng Anh nhưng cũng có giá trị riêng của nó. Bằng chứng là vào cuối tuần, hàng triệu khán giả vẫn hướng về màn hình để theo dõi đội nhà thi đấu. Thêm nữa, VPF cần đàm phán được với nhà tài trợ để điều khoản "bắt buộc phải có tường thuật trên truyền hình" không còn có trong bản hợp đồng sẽ ký. Có như vậy thì VPF mới không bị ép ngược về chuyện bản quyền, bởi khi đó, các nhà đài sẽ không còn cơ hội nào để ra điều kiện tường thuật các trận đấu.

Muốn phát triển, bóng đá phải dựa vào bản quyền. Nhưng để có bản quyền thì chất lượng phải cao và cách bán hàng phải chuyên nghiệp. Có điều, cải thiện cả hệ thống từ sản xuất đến bán sản phẩm chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai.