Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó phát triển nếu vẫn làm thuê

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), trong giai đoạn từ 2008 - 2012, doanh thu từ quảng cáo của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng trung bình 1,4 lần/năm nhưng mức tăng lại có xu hướng giảm dần.

Đến năm 2012, tổng doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các DN trong nước chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 6 tỷ USD của Indonesia hay 7,5 tỷ USD của Thái Lan.
Chính vì thế, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng còn rất nhiều việc phải làm để ngành quảng cáo ở Việt Nam thực sự trở thành ngành công nghiệp có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Khó phát triển nếu vẫn làm thuê - Ảnh 1
 
“Sân chơi” quảng cáo giữa các doanh nghiệp nội và ngoại chưa cân sức.Trong ảnh: Biển quảng cáo treo trên phố Xã Đàn.Ảnh: Linh Anh

 
Quảng cáo báo in sụt giảm

Xét trên phương diện toàn cầu, doanh thu từ quảng cáo trên báo in và tạp chí hiện chỉ chiếm 19% thị phần. Tính riêng tại Việt Nam, thị phần quảng cáo của báo in chỉ khoảng 1% và tạp chí là 7%, kém xa so với truyền hình (78%), internet (9%) và quảng cáo ngoài trời (4%)... Trong nhiều năm qua, tăng trưởng của quảng cáo trên báo in cũng liên tục sụt giảm. Đến năm 2012 đã xuống dưới mức -1,3%, trong khi các phương tiện truyền thông khác vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Cụ thể, truyền hình là 6,8%, internet 11,2%, radio 2,2%, quảng cáo ngoài trời 6,4%…

Theo ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), tính đến nay trên thế giới có tổng cộng 50 cách thức truyền thông khác nhau. Cách thức truyền thông cũng thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại và tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn, trong khi quảng cáo trên báo in và tạp chí vẫn theo hướng đơn giản, ít tương tác và kém hấp dẫn. Điều này khiến doanh thu từ quảng cáo trên báo in và tạp chí ngày càng có xu hướng giảm dần.  

Tương lai của quảng cáo là… không quảng cáo!

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho phát triển ngành công nghiệp quảng cáo. Bằng chứng là 6 tập đoàn truyền thông quảng cáo thuộc hàng lớn nhất thế giới hiện đều đã có mặt tại Việt Nam, bao gồm: WPP, Ominicom, Dentsu, Publicis, Interpublic và Havas. Tổng doanh thu năm 2012 của 6 tập đoàn này lên tới 50 tỷ USD. Đây được xem là một "mất mát" lớn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trong nước.
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam (ARTI) đánh giá, các tập đoàn truyền thông nước ngoài thắng thế bởi có "tư duy chiến lược" rất tốt. Trong khi, hầu hết DN truyền thông - quảng cáo trong nước lại thường "tư duy theo kiểu thực hiện", tức là chỉ biết đi làm thuê cho các tập đoàn lớn hơn. Các DN quảng cáo Việt Nam cũng chưa có ý thức nâng tầm; đa phần vẫn chỉ biết chạy theo khách hàng, chưa tạo được cá tính riêng để khách hàng tự tìm đến. Ông Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, sự thua kém của các DN quảng cáo Việt Nam còn nằm ở sự chuyên nghiệp mà xét cho cùng là ý thức phục vụ khách hàng.  

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, quảng cáo trong tương lai phải là… không quảng cáo! Để làm được điều đó, quảng cáo phải hướng tới ba nhiệm vụ, bắt đầu từ việc giành được "tâm phần", tiếp đến là "trí phần" của khách hàng, và sau cùng mới là chiếm lấy "thị phần"; đồng thời quảng cáo cần phải góp phần kích thích thay đổi hành vi của người tiêu dùng thông qua các công cụ truyền thông hấp dẫn và có tính tương tác cao như TVC Online quảng cáo truyền hình thương mại thông qua internet, Games, Mobile...  Không ít quan điểm thẳng thắn nhìn nhận rằng, mối liên kết của cộng đồng các DN hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tại Việt Nam hiện khá lỏng lẻo. Các DN thường lo cạnh tranh nhau nhiều hơn là tìm kiếm sự thông hiểu, hỗ trợ và hợp tác cùng phát triển. Chính vì vậy, để ngành công nghiệp quảng cáo nước nhà đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn lớn trên thế giới, rất cần sự quan tâm phối hợp của hiệp hội, các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự gắn kết, ủng hộ tích cực từ phía các DN quảng cáo Việt Nam.

 
"Trong xu thế phát triển của truyền thông hiện đại, TVC Online sẽ đóng vai trò lớn và có thể được xem là một xu thế trong tương lai. Với hình thức quảng bá này, các DN sẽ không cần đầu tư chi phí quá lớn nhưng vẫn có thể đạt được hiệu quả thông tin cao." - Ông Phan Lê Khôi - Phó Chủ tịch Tập đoàn truyền thông IB Việt Nam