Tuy nhiên, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn trầm lắng dẫn đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản gặp khó khăn.
Khó bán đấu giá tài sản
Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, đa số các việc thi hành án (THA) liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng đều có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng dẫn đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản gặp khó khăn. Phần lớn các tài sản đảm bảo đã được Chấp hành viên kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng hầu hết chưa bán được, tổ chức bán đấu giá nhiều lần không có người mua dẫn đến vừa lãng phí, tốn kém về thời gian, công sức và kinh phí, vừa kéo dài việc THA nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được vụ việc.
Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội thi hành án tài sản nhà đất tại huyện Đông Anh cho Ngân hàng SHB tháng 5/2017. Ảnh: Việt Bình |
Thực tế trong công tác THA cho thấy, các vụ việc phải THA liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng thường khó khăn, thời gian kéo dài. Có trường hợp 9 năm mới thi hành xong quyết định của tòa án, như trường hợp Cục THADS TP Hà Nội thi hành Quyết định số 104 ngày 31/7/2008 của TAND TP Hà Nội, cho thi hành khoản: Công ty TNHH Hoa Anh Đạt phải thanh toán trả cho Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (nay là Ngân hàng SHB) số tiền hơn 432 triệu đồng và lãi chậm THA theo mức lãi suất nợ quá hạn quy định. Do BĐS trầm lắng, đến phiên đấu giá thứ 7, mới có thể bán đấu giá thành công tài sản thế chấp. Ngoài ra, do người phải THA không tự nguyện giao tài sản, gây khó khăn cho cơ quan THA phải tổ chức cưỡng chế.
Trong thời gian tới, dự báo số lượng vụ việc phải THA liên quan đến ngân hàng và các tổ chức tín dụng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Cục THADS TP Hà Nội đang thụ lý giải quyết vụ Đại án Ngân hàng NN&PTNT với tổng giá trị phải thi hành hơn 3.500 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng dẫn đến việc kê biên, bán đấu giá tài sản vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Định giá cao nhưng giá trị thực tế thấp
Theo Cục THADS TP Hà Nội, các án tín dụng, ngân hàng bao gồm cả án hình sự và kinh doanh thương mại. Đối với các án hình sự, giá trị phải thi hành rất lớn nhưng hầu như người phải THA thường chấp hành hình phạt tù rất cao (tử hình, chung thân, 20 năm...), không có tài sản thế chấp. Đối với các án kinh doanh thương mại, hầu hết tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng nhận thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán đều được định giá rất cao, bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán rất lớn nhưng đến khi tổ chức THA, định giá thực tế thấp hơn rất nhiều lần.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp tài sản thế chấp trong các vụ án tín dụng, ngân hàng nằm trong cùng khu dân cư, có nhiều hộ dân phải THA dẫn đến thành điểm nóng, khó khăn cho việc tổ chức cưỡng chế, ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương (ở các làng nghề tại huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ...). Ngoài ra, tài sản bán đấu giá là tài sản ở địa bàn nông thôn, trong vùng dân cư, liên quan đến tình cảm anh em, họ hàng và tập trung cùng làng, xã vẫn do người phải THA hoặc do người thứ ba quản lý.
Theo thống kê, án kinh doanh thương mại ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, loại này có tới 3.194 việc phải giải quyết, tương ứng với số tiền hơn 12.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 8% về việc nhưng chiếm tới 56% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành. |