Điều này cho thấy, khó có thể để đi đến sự thống nhất chung quan điểm về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong một sớm, một chiều.
Cuộc họp nhóm “bộ tứ” được tổ chức theo sáng kiến của Đức diễn ra trong bối cảnh tình hình miền Đông Ukraine đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tại Donetsk, một trong những thành trì cuối cùng của phe nổi dậy hoàn toàn bị bao vây, nhà máy xử lý nước ngưng hoạt động vì đường dây điện bị trúng bom. Một cứ địa khác của phe ly khai là Lugansk cũng đang bị vây hãm, nước, điện, điện thoại bị cắt từ hai tuần nay. Tuy nhiên, trong 4 vấn đề được nhóm “bộ tứ” đưa ra thảo luận gồm ngưng bắn, kiểm soát biên giới, viện trợ nhân đạo và giải pháp chính trị cho nội bộ Ukraine, các bên chỉ đạt được thỏa thuận ít ỏi cho vấn đề nhân đạo. Theo đó, các vấn đề liên quan đến việc đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga đến miền Đông Ukraine đã được giải quyết, tạo điều kiện để đoàn xe gồm 280 chiếc chở hàng cứu trợ của Nga gồm nước, thực phẩm và thuốc men tiếp cận vùng chiến sự miền Đông Ukraine.
Một cậu bé người Ukraine bên trại tị nạn tạm thời ở khu vực Rostov của Nga gần biên giới với Ukraina ngày 18/8/2014. Ảnh: REUTERS
|
Thực ra, kết quả khiêm tốn của cuộc “thảo luận khó khăn” này đã được dự đoán từ trước vì những nghi kỵ giữa các bên còn quá lớn. Suốt nhiều tháng qua, những cáo buộc, chỉ trích giữa Ukraine, các nước phương Tây đã tạo nên một trong những cuộc tranh cãi quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, đẩy mối quan hệ Nga – phương Tây vào tình trạng xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Trong lúc, phương Tây nhiều lần bày tỏ quan ngại Nga sẽ can thiệp vào miền Đông Ukraine sau khi tập trung hơn 40.000 quân gần biên giới và tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô tại đây thì Nga liên tiếp phủ nhận cáo buộc hậu thuẫn lực lượng ly khai và khẳng định sẽ không can thiệp vào nội bộ Ukraine. Rõ ràng, triển vọng hòa bình cho Ukraine còn rất mờ mịt, bản thân Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkine đã thừa nhận, “đàm phán với Nga sẽ kéo dài”, trong khi Ngoại trưởng Nga cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ để gây sức ép với chính quyền Ukraine về một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong lúc này, lệnh cấm nhập khẩu hàng nông sản từ Liên minh châu Âu (EU) mà Nga áp dụng để đáp trả sự leo thang các đòn trừng phạt của phương Tây tiếp tục gây thiệt hại trực tiếp đến Ukraine và một số nước thuộc “lục địa già”. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18/8 đã phải tuyên bố những biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng đối với Nga là “điều cần thiết đáng tiếc”. Trên thực tế, trong nội bộ EU đã xuất hiện những quan điểm trái chiều về đòn trừng phạt Nga lần này vì cho rằng, những biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn hại nhiều hơn là mang lại tác dụng như mong muốn. Ngoài yêu cầu EU phải xem xét việc bồi thường cho các nhà sản xuất bị thiệt hại, lãnh đạo một số nước như Séc, Hungary còn cho rằng, đã đến lúc Brussels cần xem xét lại chính sách đối với Moscow. Điều đáng nói, Nga đã thể hiện mình không phải là một đối thủ dễ chơi khi ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga hôm 19/8 tuyên bố, Moscow đang xem xét các biện pháp bổ sung nếu EU vẫn tiếp tục chính sách trừng phạt Nga.