Ông Ngô Thế Hiển - Phụ trách phân tích Công ty chứng khoán (CTCK) SHS nhìn nhận, trong các phiên tuần này những rung lắc mạnh vẫn có khả năng xảy ra do thị trường cần tích lũy thêm và kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trước khi có thể tạo lập các mốc cao hơn. Vùng kháng cự 580 - 590 điểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây trở ngại cho đà đi lên của VN-Index.
Ông có nhìn nhận gì về xu hướng TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây?
- VN-Index đã thiết lập đỉnh mới 586,48 và có nhiều phiên thanh khoản đột biến. Tuy nhiên, diễn biến phiên cuối tuần qua (ngày 28/2) cho thấy, khi tiến gần ngưỡng 590 điểm, áp lực cung gia tăng. Và tương tự với sàn Hà Nội khi HNX-Index tiến gần mức đỉnh gần nhất 82,86 điểm cộng với tâm lý nhà đầu tư (NĐT) thận trọng khi 1 lượng cổ phiếu (CP) về tài khoản lớn, là phiên điều chỉnh kỹ thuật với hành động chốt lãi của NĐT ngắn hạn. Bên cạnh đó trước thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, quyết định thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu CP của NĐTNN tại doanh nghiệp (DN) niêm yết chưa được thông qua trong tháng 2 là nguyên nhân khiến thị trường trong tuần có những phiên tăng giảm và ngay trong một phiên cũng có sự rung lắc mạnh.
Khách hàng giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán ACB. Ảnh: Hải Linh
|
VN-Index có khả năng chinh phục đỉnh mới nữa hay không, thưa ông?
- Thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co trong ngắn hạn cùng áp lực bán ở vùng giá 590 - 595 điểm là vẫn còn hiện hữu. Trong ngắn hạn, một vài phiên điều chỉnh vẫn là điều cần thiết để giúp thị trường củng cố xu thế hiện tại và khả năng cao thị trường sẽ tiếp diễn trạng thái tích lũy, kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trước khi có thể chinh phục những mốc cao hơn nữa.
Thực tế, dòng tiền đang quay trở lại thị trường. Những tín hiệu vĩ mô tích cực đã thấy rõ rệt hơn (lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và chính trị ổn định...). Bên cạnh đó, lợi nhuận DN được cải thiện nhờ lãi suất ngân hàng thấp và chi phí đầu vào giảm… cũng là yếu tố kéo thị trường thuận lợi. Theo thống kê, trong tổng số 639/679 DN niêm yết trên TTCK đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2013, có đến 35% DN đạt lợi nhuận cả năm vượt kế hoạch.
Khảo sát ở cả NĐT tổ chức và cá nhân cho thấy, một trong những giải pháp giúp thị trường hấp dẫn hơn đang được chờ đợi là sự xuất hiện của nhiều CP tốt tham gia thị trường. Điều này có thể có được khi nhiều DNNN lớn thực hiện cổ phần hóa và niêm yết CP trên thị trường. CP BIDV, Habeco, Sabeco, Vietnam Airlines, MobiFone… đang được giới đầu tư chờ đợi. Có thêm hàng hóa chất lượng tốt cho thị trường, các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ có thêm cơ hội để đến với TTCK, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho TTCK.
TTCK luôn có những kỳ vọng đi trước diễn biến kinh tế, do vậy sự sôi động của TTCK thể hiện điều này. Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ tăng cho đến hết quý I/2014, mặc dù sẽ có những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng cơ bản xu hướng sẽ tích cực.
Giao dịch chứng khoán tại sàn Sacombank Hà Nội. Ảnh: Phương Tuyên
|
Vậy bên cạnh những điểm sáng là yếu tố vĩ mô tích cực hơn, thì rủi ro tiềm ẩn của TTCK Việt Nam là gì, thưa ông?
- Rủi ro là kinh tế thế giới còn tiềm ẩn khó khăn, do đó dòng vốn NĐT nước ngoài vẫn là ẩn số. Ngoài ra, lộ trình đi đến TPP vẫn gặp nhiều thách thức, và dù có được ký kết, hiệp định này cũng cần thời gian mới có ảnh hưởng nhất định lên các DN và TTCK. Đối với những yếu tố xuất phát từ nội địa, tổng cầu trong nước vẫn yếu, tiếp theo là nợ xấu. Dù trong năm 2013, VAMC khá thành công khi mua được 39.000 tỷ đồng nợ, nhưng vấn đề ở đây là sau khi mua xong thì VAMC chưa có kế hoạch xử lý cụ thể, bán cho ai, bán như thế nào và giá bán bao nhiêu. Ngoài ra, một số điểm nghẽn chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và từng thị trường nói riêng đã được chỉ ra, nhưng có vẻ như quá trình sửa đổi là khá chậm chạp. Năm 2014 sẽ khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới của chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không giống như năm 2007 mà sẽ bền vững, an toàn và đi vào chiều sâu.
Xin cảm ơn ông!