Tỉnh Hà Nam có diện tích đất nông nghiệp hơn 54.700ha, có lợi thế sản xuất nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao. Trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương quy hoạch, tích tụ ruộng đất, thuê ruộng của nông dân giao cho doanh nghiệp (DN) thuê lại đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí phát biểu tại buổi làm việc. |
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được 17 vùng chuyển đổi rau quả an toàn, chất lượng cao và hướng xuất khẩu dọc sông Châu Giang với tổng diện tích hơn 1.100ha thuộc 19 xã, trong đó có quy hoạch 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 500ha.Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương là chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, gà Móng Tiên Phong, bánh cuốn chả nướng, mật ong miền Bắc, nấm ăn, ổi Trác Văn, cam Trác Văn, bắp cải, su hào, bí xanh… được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, có đầy đủ thông tin về sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.Thời gian qua, thông qua sự kết nối của Sở NN&PTNT, các DN của Hà Nam và Hà Nội đã ký kết các hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn về Thủ đô. Đến hết tháng 10/2016, toàn tỉnh Hà Nam có 8 DN, cơ sở, HTX cung cấp nông thủy sản cho Hà Nội được cấp chứng nhận an toàn, 3 cơ sở được cấp xác nhận sản phẩm theo chuỗi. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y hai tỉnh, TP cũng ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khó khăn là đa phần sản xuất nông sản thủy sản tại tỉnh Hà Nam có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất không tập trung, tâm lý sản xuất truyền thống nên chưa tạo được liên kết bền vững, chưa phối hợp hiệu quả để cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội. Hơn nữa, các sản phẩm rau quả có thời gian sử dụng ngắn, dễ bị dập nát khi vận chuyển tiêu thụ về Hà Nội trong khi điều kiện bảo quản, vận chuyển chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam Nguyễn Thị Vang chia sẻ, việc thực hiện tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp thành công hay không phụ thuộc lớn vào tiêu thụ sản xuất. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nam đã tham mưu cho tỉnh về định hướng sản xuất an toàn, có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc và phối hợp với các DN của Hà Nội để đảm bảo đầu ra. Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện ký cam kết sản xuất an toàn đến tận xã và cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. “Tuy nhiên vẫn cần phải tiếp tục trao đổi, hợp tác tháo gỡ khó khăn để dòng chảy nông sản an toàn của Hà Nam về Thủ đô được thuận lợi nhất” – bà Vang nhấn mạnh.Tham gia cùng đoàn công tác của TP Hà Nội có một số DN trong lĩnh vực phân phối nông sản thực phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp như: Công ty CP VietRap Đầu tư thương mại, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty TNHH MTV CleverFood, Công ty CP Nông sản thực phẩm sạch Tây Bắc, Công ty Việt Farmer… Tại buổi làm việc, đại diện các DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội và Hà Nam đã trao đổi về năng lực sản xuất, phân phối, nhu cầu hợp tác, đồng thời cùng nhau chia sẻ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn về Thủ đô. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đây là hoạt động của Ban Điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội. Buổi làm việc nhằm lắng nghe ý kiến các DN, xem còn vướng mắc, khó khăn, để đưa ra giải pháp khơi dòng chảy nông sản an toàn về Thủ đô. Cũng trong chương trình công tác, chiều 8/11, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đi thăm một số mô hình sản xuất nông sản thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Hà Nam.