Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi động chuỗi hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2023

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí giới thiệu chương trình Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Đây là năm thứ 15 hoạt động này được tổ chức ở nước ta kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN năm 2008.

Mỗi năm có 100 tấm gương tiêu biểu từ khắp mọi miền đất nước được lựa chọn tôn vinh, tổng số đã có 1.500 lượt đại biểu được biểu dương. Họ đều là những tấm gương hiến máu, hiến tiểu cầu thường xuyên và cả trong các tình huống khẩn cấp; đồng thời, đã tích cực vận động hàng trăm, hàng nghìn người tham gia hiến máu.  

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN Lê Gia Tiến phát biểu khai mạc chương trình.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN Lê Gia Tiến phát biểu khai mạc chương trình.

Ông Lê Gia Tiến - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN khẳng định: “Phong trào HMTN nước ta những năm qua đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Kết quả đó có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu mỗi năm; họ vừa trực tiếp hiến máu, vừa là những hạt nhân lan tỏa sâu rộng hành động nhân văn này tới cộng đồng”.

Chuỗi các hoạt động tôn vinh năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày tại Hà Nội và Phú Thọ. Gồm có: Giao lưu và tặng quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn cần được truyền máu; Gala “Hội ngộ ba miền”. Hành trình “Về miền Đất Tổ” dâng hương, báo công các Vua Hùng. Lễ báo công dâng Bác; dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn; Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Ban tổ chức và các đại biểu tặng quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ban tổ chức và các đại biểu tặng quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, chiều 29/7, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp mặt biểu dương các tấm gương hiến máu tiêu biểu; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với phong trào HMTN nói chung và những người HMTN nói riêng.

Trong số 100 đại biểu được tôn vinh năm nay, có 20 đại biểu nữ, 16 đại biểu thuộc khối giáo dục, 8 đại biểu là nhân viên y tế, 7 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang và 3 đại biểu người dân tộc thiểu số.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giải đáp thắc mắc của phóng viên báo chí, người hiến máu.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giải đáp thắc mắc của phóng viên báo chí, người hiến máu.

Đại biểu lớn tuổi nhất là 61 tuổi, đại biểu trẻ nhất là 22 tuổi. Có 10 đại biểu đã hiến máu từ 19 – 29 lần, 60 đại biểu đã hiến máu từ 30 – 49 lần, 20 đại biểu đã hiến máu từ 50 – 69 lần, 8 đại biểu đã hiến máu từ 70 – 99 lần, 2 đại biểu hiến máu từ 100 lần trở lên. Tổng số 100 đại biểu năm nay có số lần hiến máu, hiến tiểu cầu lên đến gần 4.500 đơn vị.

Thông điệp của chương trình tôn vinh năm nay theo chủ đề Ngày Quốc tế người hiến máu của Tổ chức Y tế Thế giới là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống” (Give blood, give plasma. Share life, share often).

Đại biểu chia sẻ câu chuyện hiến máu của bản thân, của địa phương mình.
Đại biểu chia sẻ câu chuyện hiến máu của bản thân, của địa phương mình.

Thông điệp này nhằm kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương. Cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thì huyết tương cũng là thành phần máu quan trọng, chứa nhiều chất rất cần thiết với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi như hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành Huyết học – Truyền máu hướng tới.

Người dân hiến máu tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.
Người dân hiến máu tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.

Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến lâu hơn, nhưng bù lại chỉ cần sau 2-3 tuần có thể hiến nhắc lại. Qua rất nhiều năm thì đến nay, nhận thức của tất cả tầng lớp Nhân dân cả nước về hiến máu, hiến thành phần máu đã có có sự thay đổi cơ bản”.

 

Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, công tác HMTN đã đi vào ổn định cả về số lượng và chất lượng. Lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc năm 2022 đạt trên 1,43 triệu đơn vị máu, trong đó 99% là từ người HMTN, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.

Những tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận gần 900.000 đơn vị máu thông qua các chiến dịch: Chiến dịch Vận động HMTN dịp Tết – Lễ hội Xuân hồng và Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè và Hành trình Đỏ.