Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi dòng vốn nước ngoài vào PPP

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP (đối tác công - tư) là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách trong tìm kiếm nhà đầu tư (NĐT) và triển khai các dự án PPP ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

 Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Ảnh: Hoàng Hà
Quy định thiếu rõ ràng

Tại Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2018, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) chỉ ra, trong quá trình triển khai các dự án PPP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và một số văn bản pháp luật liên quan vẫn còn nội dung chưa rõ ràng, tồn đọng một số vấn đề. Chẳng hạn, Điều 467, Nghị định 63 quy định các hợp đồng có liên quan của dự án có thể áp dụng luật nước ngoài, nhưng Nghị định 63 lại không quy định rõ có thể áp dụng luật nước ngoài đối với những hợp đồng mà một trong các bên ký kết là pháp nhân nước ngoài hay không.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ KH&ĐT về việc thực hiện chương trình PPP, trong 20 năm gần đây, khoảng 200 dự án đã được cấp phép theo hình thức PPP. Trong đó, có 158 dự án BOT và BT trong lĩnh vực giao thông; 9 dự án BOT trong ngành điện; 5 dự án xử lý nước thải. Theo tính toán, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 là khá lớn, ước khoảng 3 triệu tỷ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...). Trong khi đó, nguồn lực cân đối từ NSNN được Quốc hội thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.
Cũng theo JCCI, Nghị định 63 có quy định về việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh thiết bị dự án. Tuy nhiên Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sự chưa thống nhất của các quy định này đang khiến NĐT và DN gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

“Vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề phát sinh do quy định của pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện dự án. Các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh rủi ro không đáng có” - Chủ tịch Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam Kenneth Atkinson bày tỏ.

Khó giải quyết vướng mắc

Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP ban hành tháng 5/2018, có những khía cạnh tích cực như tinh giản các thủ tục hành chính cho các dự án PPP. Tuy nhiên, theo các Hiệp hội nước ngoài, sự đảm bảo của Chính phủ trong việc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và NĐT vẫn chưa được sửa đổi. Nhóm công tác cơ sở hạ tầng tại Diễn đàn DN Việt Nam đề xuất Luật PPP mới nên làm rõ các quan điểm của Chính phủ liên quan đến các nội dung trên.

Để chuẩn bị dự án PPP, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra đấu thầu phải tiến hành và phê duyệt những tài liệu như báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường; thiết kế cơ sở của dự án theo Luật Xây dựng; công nghệ sử dụng trong dự án theo Luật Chuyển giao công nghệ. Các hiệp hội nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có danh sách các lĩnh vực, dự án cơ sở hạ tầng cần thu hút để các DN trong và ngoài nước biết.

Theo Bộ GTVT, để thu hút được NĐT nước ngoài, cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ. Kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất. Theo đó, các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh Chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu…
PPP là phương thức tốt trong đầu tư xây dựng hạ tầng và nhiều nước đã áp dụng. Với Việt Nam, vấn đề chủ yếu là giải quyết hợp lý quan hệ lợi ích giữa NĐT – người dân – Nhà nước, vận dụng trong từng dự án cụ thể. Đặc biệt, chống tiêu cực lợi ích nhóm, tham nhũng khi phê duyệt và triển khai dự án.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Lưu Bích Hồ