|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Nông nghiệp là ngành kinh tế sản xuất vật chất cơ bản, giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Điều đó được thể hiện qua con số: hàng năm giá trị xuất nhập khẩu nông, lâm thủy sản, có giá trị và chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim nghạch xuất nhập khẩu của cả nước. Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ năm 2016 đạt tổng giá trị xuất khẩu 32,1 tỷ USD và tổng giá trị nhập khẩu cả năm 2016 đạt 24,5 tỷ USD.
Theo ông Trần Tấn Quý Quý: “Hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm đi với lao động cao tuổi chiếm đa số. Các thanh niên trẻ có xu hướng chuyển từ vùng nông thôn lên các thành thị để tham gia vào các ngành nghề khác mà họ cho là hấp dẫn, có thu nhập cao và có cơ hội tốt hơn. Nếu quý I/2012 cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 47,7% lực lượng lao động toàn cả nước thì đến quý III/2016 giảm chỉ còn 41,61%”.
Cùng với lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, thì nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với diện tích đất nông nghiệp bình quân/người đã thấp và ngày càng có xu hướng giảm, từ đó dẫn đến tình trạng mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới (diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trên thế giới là 0,52ha, khu vực là 0,36ha thì ở Việt Nam chỉ là là 0,25ha).
Từ đó, ông Quý nhấn mạnh: “Lao động giảm, đất đai giảm, trong khi nhu cầu về lương thực, thực phẩm liên tục tăng theo đà tăng cơ học dân số, thì khởi nghiệp trong nông nghiệp cần thiết hơn bao giờ hết, vì chỉ có như vậy thì giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích mới được nâng lên. Trong đó, giới trẻ có vai trò rất quan trọng đối với khởi nghiệp nông nghiệp”.
Dưới góc độ lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - CTHĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng: “Hiện nay, không ít bạn trẻ, với tư duy, bằng sự sáng tạo, nỗ lực của bản thân, đã đưa ra các ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp mang lại hiệu quả cao góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Điều đó chứng tỏ rất nhiều bạn có mong muốn dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn còn e ngại vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hoặc có ý tưởng nhưng chưa có định hướng để thực hiện ý tưởng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách trên con đường khởi nghiệp”.
“Để phát huy sức sáng tạo, sự dấn thân của các bạn trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách, tạo nguồn vốn, thị trường; các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chung tay ủng hộ. Có như vậy mới giúp các bạn trẻ có được động lực, sự tự tin, cũng như định hướng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình thông qua qua các dự án khởi nghiệp”, ông Nguyễn Lâm Viên, nhấn mạnh.
Hiện nay, khởi nghiệp đang là câu chuyện thời sự được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và đánh giá cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là người thực hiện thành công sản phẩm Nấm linh chi đất từ dự án khởi nghiệp nông nghiệp được ứng dụng công nghệ sinh học tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Hiếu, cho biết: “Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn nhiều. Trong đó, cách khởi nghiệp trong nông nghiệp, cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và năng suất trong sản xuất nông nghiệp hay kêu gọi vốn đầu tư cho dự án và xử lý kỹ thuật trồng, sản xuất nông sản là những khó khăn mà các bạn trẻ hiện nay hay gặp phải trong quá trình khởi nghiệp nông nghiệp”.
Từ đó, chị Hiếu mong muốn: “Để giải quyết những vấn đề nêu trên thì cơ chế chính sách và vốn là hai trở ngại lớn nhất đối với người trẻ khi khởi nghiệp. Nếu hai vấn đề đó được giải quyết thì phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong nông nghiệp sẽ có sức hút rất lớn đối với giới trẻ trong tương lai”.