Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi tạo thị trường chứng khoán Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 6 năm chuẩn bị, ngày 20/7/1997, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức được thành lập và ông Lê Văn Châu trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của cơ quan này.

KTĐT - Sau 6 năm chuẩn bị, ngày 20/7/1997, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức được thành lập và ông Lê Văn Châu trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của cơ quan này.

Rời vị trí Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Văn Châu quyết tâm nhận nhiệm vụ khởi tạo thị trường chứng khoán Việt Nam, cho dù không ít bạn bè can ngăn.

Ông Lê Văn Châu ảnh: Huy Sáu
Ông Lê Văn Châu Ảnh: Huy Sáu

Một buổi chiều năm 1991, ông Đỗ Mười lúc đó là Tổng bí thư mời 3 vị Bộ trưởng và ông Lê Văn Châu (Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) đến bàn biện pháp tạo nguồn vốn cho nền kinh tế. Tất cả những người có mặt đều nhất trí đề xuất sớm xây dựng thị trường chứng khoán.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận nhiêm vụ nghiên cứu thị trường, thành lập Ban xây dựng và phát triển thị trường vốn do ông Châu trực tiếp chỉ đạo.

Việc chuẩn bị thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gặp không ít khó khăn bởi những câu hỏi về tính giai cấp cũng như định hướng xã hội chủ nghĩa của thị trường chứng khoán. Vào những năm 90, những vấn đề này được đặt ra rất nghiêm túc và cần phải có câu trả lời thích đáng thì mới có thể đi tiếp.

Chỉ là một thành viên tham gia chuẩn bị xây dựng thị trường, ông Châu lúc đó giải thích với các lãnh đạo Đảng, Chính phủ rằng: "Thị trường chứng khoán là sản phẩm của loài người. Nếu bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng để tạo ra nguồn huy động vốn trung và dài hạn nhằm mục đích phát triển kinh tế thì thị trường chứng khoán sẽ đem lại lợi ích phục vụ đúng theo mục tiêu và yêu cầu của chế độ đó".

Đến khâu lựa chọn người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán cũng không dễ dàng. Khi tìm kiếm ứng viên, do tính chất liên ngành, liên bộ trong hoạt động quản lý thị trường và xứng tầm với vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lúc đó, các đơn vị đề xuất nên để một Phó thủ tướng kiêm nhiệm. Một phương án khác được đề nghị là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Tài chính. Nhưng cuối cùng lãnh đạo Đảng, Chính phủ mời ông Châu lên, động viên nhận nhiệm vụ.

Vào thời điểm đó, nhiều bạn bè khuyên ông Châu nên ở lại Ngân hàng Nhà nước với góp ý: “Muốn đóng góp cho đất nước thì có nhiều cách để làm. Nếu vẫn ngồi vị trí cũ cũng có thể cống hiến được chứ đâu nhất thiết phải chui vào bụi rậm (xây dựng thị trường chứng khoán) để rồi hoàn toàn có thể thất bại”.

Ông Châu tâm sự: “Tôi hiểu bạn bè mình đã lo lắng nên mới khuyên như thế, nhưng một khi đã được giao nhiệm vụ thì cần phải cố gắng thực hiện. Cũng có thể thời gian đầu chưa đạt được những kết quả to lớn, nhưng chí ít cũng phải đạt được những kết quả ban đầu, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam. Không có thị trường chứng khoán thì không thể gọi là kinh tế thị trường”.

Sau 6 năm chuẩn bị, ngày 20/7/1997, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức được thành lập và ông Lê Văn Châu trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của cơ quan này.

Sau 10 năm, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Sau 10 năm, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng vượt bậc Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Sau khi Ủy ban Chứng khoán đã được thành lập, việc mở cửa thị trường chứng khoán cũng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Một số lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ tiếp tục lo lắng nếu mở như các nước tư bản chủ nghĩa thì Việt Nam sẽ không thể quản lý được. Đây thực sự là một vấn đề lớn bởi ngay khi tuyên bố thành lập Ủy ban Chứng khoán thì xảy ra khủng hoảng tài chính Châu Á mà bắt nguồn từ thị trường chứng khoán của Thái Lan.

Trong khi đó, bản đề án xây dựng khung pháp lý cho thị trường còn đề xuất mở ra 2 Trung tâm giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP HCM) với định hướng là sẽ chuyển các đơn vị này thành công ty TNHH một thành viên rồi cổ phần hóa. Vào thời điểm đó, ông Châu và các đồng nghiệp của mình báo cáo với Chính phủ: Việt Nam đang làm theo cách của riêng và đã có một đơn vị chuyên trách là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý. Sau này, dù các Trung tâm hay Sở Giao dịch Chứng khoán có chuyển đổi mô hình thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay cổ phần thì lúc đó cũng đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý, điều hành.

Sau khi đã vượt qua được rất nhiều rào cản về nhận thức của xã hội nói chung, công việc chuẩn bị cho ngày ra đời của Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM đã thuận lợi hơn. Sau ba năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán thành lập và cũng đúng vào ngày 20/7, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM chính thức khai trương với 2 cổ phiếu REE và SAM. Lúc này, dù không còn là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, ông Lê Văn Châu mới cảm thấy mình thoát khỏi “bụi rậm”.

Khi thị trường chứng khoán chính thức hoạt động, ông Châu dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt từ 10-15% GDP vào năm 2010. Thế nhưng, sự tăng trưởng ngoạn mục của định chế tài chính này đã đưa quy mô lên gần 50% GDP vào thời điểm hiện tại và kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã được rất nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn.