Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khốn khổ vì giá điện

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ồn ào tăng giá, những ngày qua dư luận lại bức xúc về chuyện hóa đơn tiền điện phi mã, về cách tính bậc thang lũy tiến, về sự thiếu minh bạch, trung thực của ngành điện về tài chính và lỗ lãi…

Câu chuyện này lặp đi lặp lại đã khiến dư luận bất bình và vạch ra “nguyên nhân cho mọi nguyên nhân” chính là sự độc quyền của ngành điện.
Tập đoàn điện lực (EVN) cũng thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35% chứ không phải tăng 8,36% bình quân như phương án đưa ra. Cuối cùng sau rất nhiều mổ xẻ, thủ phạm chính là do bất cập trong cách tính giá điện theo biểu lũy tiến, càng dùng nhiều càng bị tăng giá gấp nhiều lần chứ không đơn thuần chỉ dùng bao nhiêu tăng bấy nhiêu. Mục đích được đưa ra theo Bộ Công Thương là để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả (!).
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Không ít người đã lên tiếng phàn nàn, ở Việt Nam hiện nay, ngay trong thời buổi mà “hội nhập” và “WTO”, “FTA”… vẫn có một ngành dịch vụ mà người tiêu dùng càng dùng nhiều thì càng bị… phạt, càng bị “hăm dọa”: Đó là ngành Điện lực.
Với lối suy nghĩ của thời bao cấp, ỷ vào thế độc quyền, EVN từ nhiều năm nay đã liên tục đưa ra những biện pháp “cưỡng chế” đối với người tiêu dùng: Tăng giá điện nếu dùng nhiều, cắt điện luân phiên để “tiết kiệm” (gây thiệt hại đáng kể cho sinh hoạt và sản xuất), v.v… Mặt khác, như báo giới phản ánh, trong khi ngành điện thường xuyên kêu ca là thiếu vốn đầu tư để xây dựng nhà máy điện, thì lại bỏ tiền ra để phát triển các lĩnh vực ngoài ngành và phải trả cho những lỗ lãi đầu vào mà không ai kiểm chứng được.
Bằng chứng chính là những khoản tiền gửi không kỳ hạn của EVN tại ngân hàng đến thời điểm quý II/2018. EVN cho rằng số tiền gửi này so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm phải trả của EVN (hơn 106.000 tỷ đồng) là quá nhỏ. Nực cười nhất là luận điệu giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước lại trở thành một trong những lý do để tăng giá.
Giống như các nước khác, ngành điện gồm 3 khâu liên hoàn: Sản xuất điện (phát điện) - truyền tải điện - phân phối và bán lẻ điện. Cho đến nay, Tập đoàn EVN vẫn giữ vai trò chi phối khâu phát điện và độc quyền hoàn toàn trong các khâu truyền tải điện... Công ty mua bán điện, trực thuộc EVN, là đơn vị duy nhất được phép mua điện từ tất cả các đơn vị phát điện trên thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện.
Trong khi đó với khâu sản xuất điện, các công ty điện trong ngành có số ít là DN tư nhân, còn phần lớn là công ty con của EVN, PVN, Vinacomin đã tạo ra sự độc quyền khép kín bởi những DN được chỉ định làm đầu mối đã nắm quyền chi phối giá cả. Còn bản thân các nhà máy điện không có nhiều lựa chọn. Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra thực trạng giá than cùng chủng loại được nhập về bán lại cao hơn giá thế giới và cao hơn giá than do TKV sản xuất trong nước nên khiến các nhà máy điện khó khăn.
Theo các chuyên gia, lộ trình đến năm 2022 mới có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là quá chậm, nhất là với một ngành là đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế như ngành điện.
Phải làm sao để thực thi cơ chế thị trường với ngành điện và ngành than, tách quyền quản lý Nhà nước với quyền của DN khỏi tình thế như hiện nay nhằm tránh tình trạng độc quyền, tạo thế cạnh tranh, đồng thời minh bạch, sòng phẳng như những DN khác trên thị trường? Chỉ sau khi xóa bỏ độc quyền, ngành điện mới có thể huy động thành phần kinh tế tư nhân vào sản xuất, tăng năng suất, tăng hiệu quả hoạt động. Khi khu vực kinh tế tư nhân có được vị trí trong sản xuất và thiết lập hệ thống phân phối điện tới người tiêu dùng thì giá điện chắc chắn sẽ về mức hợp lý nhất.