Song, nếu lật giở hồ sơ của cuộc khảo cổ học tại đây sẽ thấy, phương án xây cầu không ảnh hưởng đến di tích. Trong khi nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây vừa là giải pháp tối ưu đối với nút giao có lưu lượng giao thông lớn này, vừa hợp với quy luật phát triển đô thị.
Để rộng đường dư luận, báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Các phương án xây dựng cầu vượt ngã năm Ô Chợ Dừa đều được cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng đến di tích và tránh phải di dời nhiều lần đối với các hộ dân trong khu vực.Ảnh: Đức Giang
"Bảo tồn di tích xưa là để phục vụ người sống, xây cầu vượt cũng là để phục vụ người đang sống, thế nên cần có những cân nhắc, ứng xử hợp lý. Trong trường hợp này, tôi cho rằng nên ủng hộ việc xây cầu vượt của TP để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, chứ không nên "ôm" khư khư, bảo vệ những điều chưa rõ đúng sai để làm chậm lại sự phát triển của đô thị". - Ông Nguyễn Văn Hảo - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học
|
Chưa rõ di tích thì bảo vệ cái gì?
Cách đây gần 6 năm (năm 2007), một cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra trên công luận về vị trí của Đàn Xã Tắc khi người ta tạm dừng thi công đường Xã Đàn để khoanh vùng mở hố khai quật khảo cổ, tìm vết tích của Đàn Xã Tắc. Nhưng "Đàn Xã Tắc ở đâu?", đến bây giờ, khi con đường được gọi là "Kim Liên mới" đã thông xe từ lâu nhưng các nhà khảo cổ học vẫn chưa có câu trả lời chính xác, dù người ta có dựng lên gần hố khai quật đã được lấp đi một tấm bia để "nhắc nhở" đây là khu vực có di tích này. Còn những gì phát lộ trong hố khảo cổ ấy thì 100% không phải là di tích thời Lý mà người ta cất công đi tìm.
Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học vẫn khẳng định "như đinh đóng cột": Đó không phải là Đàn Xã Tắc. Là bởi, phát lộ trong khu vực khai quật ấy không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc. Có hai vết tích xây dựng, một của thời Lý thì không tìm thấy được dấu vết gì chứng tỏ đây là tầng văn hóa hay là bề mặt, cấu trúc, sinh hoạt của thời Lý. Điều quan trọng là dấu tích của lớp này với lớp trên nó (được xác định là thời Lê) lại hoàn toàn giống nhau. Giống nhau về hình dáng kiến trúc, về vật liệu kiến trúc, chỉ khác nhau là ở lớp trên và lớp dưới. Vậy thì liệu đó có phải là lớp nguyên gốc không, hay là lớp do chính các nhà khảo cổ tạo ra?
"Tôi cho đó là lớp nhân tạo do các nhà khảo cổ tạo ra thì đúng hơn, vì nguyên tắc khảo cổ là tạo ra những lớp 20cm một để đào xuống… Như thế đồng nghĩa với việc không có "điểm 0" trong khảo cổ học (điểm 0 phải là bề mặt gốc, được lấy làm chuẩn để xác định niên đại). Có lẽ các nhà khảo cổ học đã quên mất những biến động do đào xới làm đường tạo nên, nên đã chấp nhận lấy bề mặt đã san nền làm chuẩn để xác định niên đại các lớp kiến trúc" - ông Hảo phân tích.
Trong trường hợp độ sâu của các lớp đất không có ý nghĩa trong việc xác định niên đại, người ta căn cứ vào các vật liệu tìm thấy được ở đó. Nhưng, những vật liệu giữa hai lớp lại giống hệt nhau, cả về chất liệu, hình dáng và thứ tự… thế nên, không thể nói đó là vết tích của hai thời kỳ được. Hơn nữa, về hình dáng kiến trúc của các hiện vật tìm thấy, so với cấu trúc của Đàn Xã Tắc, không có chứng tích nào thể hiện đặc điểm của Đàn Xã Tắc cả (bề mặt của Đàn Xã Tắc phải là gò đất cao, trong khi tìm thấy 4 nền gạch). Đồng thời đứng về niên đại các dấu tích kiến trúc, lại không có dấu tích nào của thời Lý.
Ngã năm Ô Chợ Dừa. Ảnh: Đức Giang
Đàn Xã Tắc ở đâu, hiện giờ chỉ biết được là nó ở phía Tây Nam (phía Tây thành Thăng Long cũ), còn tọa độ thì không xác định được. Dấu tích tìm thấy trong hố khai quật khảo cổ không phải là Đàn Xã Tắc, vậy thì làm sao có thể xác định được công trình cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa có "đè" lên di tích hay không? Ông Hảo bày tỏ: "Nếu có di tích thì chắc chắn phải bảo vệ. Nhưng đằng này chưa biết rõ di tích ở đâu thì bảo vệ cái gì? Kể cả việc khoanh vùng bảo vệ di tích cũng không hợp lý. Còn nếu bảo vệ di tích chưa xác định được rõ ràng trong hố khai quật thì quá vu vơ".
"Hồi cố"
Nhắc đến cuộc khai quật tại Đàn Xã Tắc, lại không thể quên cuộc khai quật đầy tranh cãi trong khi thi công nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, hay cuộc tranh cãi về vị trí Đàn Nam Giao tại địa điểm xây dựng tòa tháp Vincom (phố Bà Triệu). Những công trình phục vụ dân sinh bị ngừng lại, chậm tiến độ hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, để các nhà khảo cổ học vào cuộc thám sát, lùng tìm dấu vết di tích.
"Phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc không vi phạm Luật Di sản. Chỉ có điều đơn vị thi công cần tính toán kỹ lưỡng việc thi công cây cầu để đảm bảo phần móng của trụ cầu không xâm hại đến di tích. Nên xem xét tới việc xây dựng cầu bằng thép thay vì bằng bê tông nếu có thể để sau này nếu có giải pháp khác, vừa bảo tồn được di tích, vừa giải quyết đến vấn đề giao thông thì sẽ dễ dàng xử lý" – Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
Tại nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám là sự nghi ngờ về một đoạn tường thành còn sót lại, tại Ô Chợ Dừa là Đàn Xã Tắc, còn ở Bà Triệu là Đàn Nam Giao. Công trình nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám chờ khảo cổ không dưới 19 tháng với 2 lần gia hạn khai quật khảo cổ; ngã năm Ô Chợ Dừa chờ đợi kết quả tìm Đàn Xã Tắc cũng hơn năm trời…
Để đến cuối cùng, các hố khai quật đều lặng lẽ lấp cát để tiếp tục thi công công trình, và tường thành thì chưa có kết luận chính xác, Đàn Xã Tắc chưa biết ở đâu, Đàn Nam Giao thì được "chỉ" là "ở tít bên trong". Trong khi đó, những địa chỉ "nóng" về ùn tắc giao thông (đáng ra phải thi công nhanh để giảm ùn tắc) thì lại càng ùn tắc vì bị quây lại cho khảo cổ học vào cuộc. Những góc phố, con đường đô thị, cả một thời gian dài nhếch nhác, ngổn ngang vì đang trong quá trình thi công dở.
Không phủ nhận công việc của các nhà khảo cổ học là cần thiết đối với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di tích của đất Thăng Long, song cũng cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa một bên là công trình phục vụ dân sinh, và một bên là việc đi tìm dấu tích di sản mà chưa biết rõ có hay không. Nói như một người trong nghề khảo cổ học: "Đừng có bạ đâu cũng dừng thi công để khai quật, nhất là khi ở mảnh đất lịch sử nghìn năm này, có thể nói là đào chỗ nào cũng dễ có những vết tích triều đại cũ".
Những gì diễn ra ở nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, mở đường Xã Đàn, công trình tòa tháp Vincom chính là những bài học đáng để rút kinh nghiệm cho công trình cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa hiện nay. Như Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Chủ nhiệm Dự án Văn hóa giao thông, bày tỏ: "Cái cần phải giải quyết của Hà Nội bây giờ là vấn đề ùn tắc giao thông, thì nhất định phải làm và nên làm sớm. Nghĩa là cần phải thi công những cầu vượt như vậy để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Thực tế đã cho thấy hiệu quả rất tích cực khi các cầu vượt qua ngã tư được đưa vào sử dụng. Vậy thì hãy để cho người ta làm để cho ùn tắc giảm đi, để cho đô thị Hà Nội văn minh hơn. Ngăn cản sự phát triển của giao thông là không nên, nhất là khi nó đã được xác định là không ảnh hưởng đến di tích".
"Theo quy hoạch chung và quy hoạch giao thông Hà Nội, không thể tổ chức giao bằng mà phải tổ chức giao khác cốt tại nút giao thông này. Để lên phương án cho công trình, Sở QH - KT đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành.
5 phương án đã được cân nhắc và phương án chọn là tối ưu nhất với nhiều ưu điểm trong đó có giải quyết được vấn đề rất khó, đó là trục của tim tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Xã Đàn) và đoạn tuyến tiếp theo được chuyển tiếp tốt trong điều kiện hai đoạn tuyến Vành đai 1 tại nút giao Ô Chợ Dừa không tạo thành một đường thẳng. Phương án còn cân bằng, tránh giải phóng mặt bằng nhiều lần với các hộ dân trong khu vực.
Tất cả cột, mố cầu đều nằm ngoài ranh giới bảo vệ cấp 1 của di tích. Bộ VHTT&DL, Bộ GTVT đều đã thống nhất bằng văn bản về việc lựa chọn phương án này. Phương án cũng đã được trình Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thủ đô để lấy ý kiến và đã được Hội đồng thống nhất, đồng thuận". - Ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội
|