Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không áp một trần lãi suất chung cho các lĩnh vực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích trong năm 2013 và cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết việc cho vay ngắn hạn với các nhu cầu vay ngoại tệ để kinh doanh xăng, dầu, thực hiện xuất nhập khẩu đến hết năm 2013.

Đó là thông tin được NHNN công bố trong cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2012 và định hướng chính sách năm 2013 diễn ra chiều 27/12.
 
Không áp một trần lãi suất chung cho các lĩnh vực - Ảnh 1
 
Việc không áp dụng một trần lãi suất cho vay chung sẽ hạn chế được sự tăng trưởng nóng ở các lĩnh vực không khuyến khích.Trong ảnh: Giao dịch tại một chi nhánh của Agribank.Ảnh: Việt Linh

Điều hành linh hoạt  chính sách tiền tệ

Báo cáo của NHNN cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2012 thấp, chỉ ở mức khoảng 7%. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 20/12, dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 18,7%; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được cải thiện, số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm xuống mức khoảng 95%; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ 10 - 11%/năm so với cuối năm 2011 và hiện ổn định ở mức thấp…

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ theo hướng đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Đặc biệt, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh rủi ro và giảm nợ xấu cũng sẽ được tăng cường.

Không áp một trần lãi suất chung cho các lĩnh vực - Ảnh 2
 
Giao dịch tại một chi nhánh của Ngân hàng SHB.Ảnh: Linh Anh

Về việc áp trần lãi suất cho vay chung cho tất cả các lĩnh vực, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN chưa và sẽ không có ý định áp một trần lãi suất chung cho tất cả các lĩnh vực. Theo ông Bình, có một thời gian, lĩnh vực bất động sản đã mang lại lợi nhuận lớn nên các chủ đầu tư chấp nhận vay với lãi suất vao. Bởi vậy, sẽ không có chuyện áp cùng một mức trần cho các lĩnh vực, vì như vậy sẽ hạn chế được sự tăng trưởng nóng, bong bóng ở các lĩnh vực không khuyến khích.

Xóa bỏ tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế

Riêng về thị trường vàng, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, để đảm bảo quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua bán. Thời gian tới, dự kiến sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng đủ các điều kiện. Theo đó sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở 63 tỉnh, thành. Ông Huy cũng cho biết, để kiểm soát rủi ro biến động giá vàng trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ ban hành văn bản yêu cầu các TCTD đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng phải tuân thủ trạng thái vàng.

Trong năm 2013, NHNN tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá. NHNN sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ cần thiết để triển khai Nghị định 24/2012/NĐ - CP, giám sát chặt quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD. Cơ quan này cũng sẽ áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác để hỗ trợ cho các TCTD có nguồn vàng chi trả cho các khoản huy động, giữ hộ đến hạn. Khi thị trường vàng miếng hoạt động ổn định trở lại, NHNN sẽ thực hiện giai đoạn cuối về xóa bỏ "vàng hóa" nền kinh tế. Nhà nước sẽ huy động nguồn lực vàng trong nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và việc phát triển kinh tế.  NHNN sẽ tham gia với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, bảo đảm sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.