Thế nhưng, theo ngành đường sắt, để xóa được phải cần kinh phí lên tới 1.700 tỷ đồng. Đây quả là con số không nhỏ, song câu chuyện về an toàn giao thông đường sắt không dừng lại ở kinh phí.
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trung bình cứ 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt và có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này. Bởi vậy, muốn kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt, việc quan trọng nhất cần phải làm hiện nay là xóa sổ “điểm đen” từ những đường ngang giao cắt này. Đây chính là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy Bộ GTVT ban hành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017 với mục tiêu tới năm 2025 xóa sổ toàn bộ các lối đi dân sinh đang tồn tại trên toàn tuyến hiện nay. Tuy nhiên, nguồn kinh phí 1.700 tỷ đồng cho công tác này mà VNR đưa ra cho giai đoạn 2017 – 2020 liệu có phải là con số khả thi trong bối cảnh ngân sách của VNR vẫn còn hạn chế? Bởi theo thống kê số vốn dành cho duy tu đường sắt hàng năm của VNR đã dao động từ khoảng 1.700 – 2.000 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.Hiện nay, trên mạng lưới đường sắt nước ta có gần 4.300 đường ngang dân sinh tự mở, chiếm tới 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đồng bộ. Bên cạnh đó còn có hơn 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Để xóa bỏ toàn bộ các “điểm đen” này trong thời gian từ nay đến năm 2025 là một nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu ngành đường sắt “đơn thương độc mã”. Trên thực tế, Luật Đường sắt 2005 đã quy định trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý các lối đi tự mở giao cắt đường sắt. Lâu nay, giữa Bộ GTVT và các địa phương cũng đã có quy chế phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, việc thực hiện của các địa phương vẫn thiếu quyết liệt. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ từng khẳng định, việc phát sinh hơn 4.000 đường dân sinh tự mở giao cắt đường sắt hiện nay ngoài vấn đề quy hoạch, quản lý còn có trách nhiệm của chính quyền các cấp nơi có tuyến đường sắt đi qua. Chính vì thế, trong dự thảo Nghị định thi hành Luật Đường sắt năm 2017, Bộ GTVT đã quy định trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định.Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh ngân sách dành cho ngành đường sắt còn khó khăn như hiện nay, kể cả bố trí được nguồn kinh phí 1.700 tỷ đồng, mục tiêu xóa hoàn toàn "điểm đen" giao thông đường sắt cũng không đơn giản. Chính vì vậy, việc quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt và ngăn chặn phát sinh những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt là thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế. Xóa bỏ "điểm đen" giao thông đường sắt tưởng khó mà lại không, nếu vai trò của chính quyền sở tại được luật hóa.