Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thông tin trên là không chính xác. "Xe taxi của các địa phương có quyền đưa khách vào Hà Nội và đón khách về, nhưng không được kinh doanh cố định trên địa bàn TP vì khi đã kinh doanh thì phải có điều kiện" - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đồng thời cho biết thêm, việc thống nhất phù hiệu của tất cả các hãng taxi là "Taxi Hà Nội" để phân biệt với taxi ngoại tỉnh với mục tiêu siết chặt quản lý hoạt động taxi trên địa bàn Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng, từ năm 2012, Hà Nội đã quy hoạch phát triển taxi theo kết cấu hạ tầng để đảm bảo ATGT cũng như phù hợp với nhu cầu. Từ đó, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký hoạt động taxi ở Hà Nội đã đem xe (biển số Hà Nội) ra các tỉnh đăng ký kinh doanh, sau đó đem xe về Hà Nội hoạt động. Theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 2.000 xe taxi hoạt động theo hình thức trên. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp trong hoạt động taxi. Vì các xe đăng ký ở tỉnh khác hoạt động ở Hà Nội thì không có bến bãi, điểm dừng đỗ. Hơn nữa, các lực lượng chức năng của TP không thể kiểm soát được hành vi của lái xe taxi. Để phục vụ Nhân dân tốt hơn, hạn chế gia tăng mật độ phương tiện trên đường dẫn đến ùn tắc, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với Bộ GTVT đổi phù hiệu cho taxi trên địa bàn theo Thông tư 23/TT-BGTVT. Việc đổi phù hiệu được thực hiện miễn lệ phí và không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN có đủ điều kiện thì được phát triển bình thường, còn DN không đáp ứng được điều kiện phát triển thì cương quyết không cấp giấy phép kinh doanh. "Việc siết chặt quản lý taxi sẽ tránh được trường hợp DN không đủ điều kiện hoạt động sang địa phương khác đăng ký kinh doanh, sau đó đem xe về hoạt động tại Hà Nội"- Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nói.