Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có chuyện “cào bằng” trong tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (29/3), Đoàn giám sát Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì, cùng dự có đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, HĐND TP, Ban Tổ chức Thành ủy, lãnh đạo các Sở Nội vụ, Tài chính, các quận, huyện Long Biên, Thanh Xuân, Chương Mỹ.
 Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Quốc hội  với UBND Tp Hà Nội
Báo cáo với đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết: Thời gian gần đây, việc cải cách tổ chức bộ máy của TP đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra, tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả hơn; việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở địa phương để thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bước đầu đi vào ổn định, công tác tư tưởng được triển khai tốt, vận hành trên tinh thần 5 rõ và một việc-một đầu mối xuyên suốt. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội là một địa phương đầu tiên triên khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC)…

Trong đó đặc biệt, ông Sáng cho rằng: Cần phải có mô hình tổ chức và cơ chế đối với các đô thị đặc biệt, đô thị đầu tầu, do chiếm gần 50% thu nhập quốc dân của cả nước và quyết định lớn đến sự phát triển của đất nước. Ví dụ tại Hà Nội, có đối tượng quản lý và tính chất quản lý hoàn toàn khác các tỉnh, TP khác, thì tính chất tổ chức bộ máy ngay cả việc có bao nhiêu cấp cũng cần phải tính toán kỹ.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, UBND TP đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Nghị định 37/2014/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đặc biệt, sửa đổi quy định tổ chức bộ máy, cơ cấu lãnh đạo phải trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính theo Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó Hà Nội được phân loại là đô thị hạng đặc biệt. Riêng về các nội dung đang xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền (sáp nhập Ban Bồi thường GPMB và chi nhánh Phát triển quỹ đất thành Trung tâm phát triển quỹ đất, chuyển Đội Thanh tra xây dựng thành Đội Quản lý trật tự xây dựng, giao UBND cấp huyện quản lý), UBND TP đã gửi văn bản xin ý kiến Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, nhưng phần lớn chưa nhận được ý kiến trả lời hoặc ý kiến trả lời của các Bộ là khác nhau, chưa cụ thể, nên Hà Nội khó triển khai thực hiện.

Ngoài ra, UBND TP cũng tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho TP. Sau 3 năm triển khai, nhiều nội dung trong Luật Thủ đô còn vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả khi thực hiện vì chồng chéo, thiếu thống nhất về thẩm quyền giữa các bộ, ngành và TP, nhất là trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, xây dựng cơ bản, tuyển dụng, đào tạo, thu hút nhân tài, tiền lương, phụ cấp cho CB, CC, VC...

Lắng nghe các ý kiến của đại diện UBND TP, sở, ngành, quận, huyện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả rất tốt. Bên cạnh giảm đầu mối, giảm số phòng, giảm số cán bộ lãnh đạo, giảm số đơn vị sự nghiệp, điều chuyển chức năng nhiệm vụ từ nơi này sang nơi kia… ngày càng hợp lý, bằng chứng thuyết phục nhất là kết quả chỉ đạo công tác phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và các mặt quản lý nhà nước, xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao đời sống nhân dân, những năm gần đây TP có tiến bộ vượt bậc, đóng góp chung vào phát triển của cả nước. Đây chính là đóng góp thực tế nhất, sinh động nhất của đội ngũ CB, CC, NLĐ trong các cơ quan của TP. Về tinh giản biên chế, Hà Nội cũng là địa phương thực hiện tốt theo NQ 39, vừa tinh giản biên chế vừa cơ cáu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC theo đúng tinh thần. Đội ngũ này từ TP đến cấp xã đều trưởng thành lên rất nhiều. Bên cạnh đó, TP cũng có nhiều đóng góp vào công tác CCHC, giải quyết TTHC cho DN, Nhân dân…
Về yêu cầu trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị: Về những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, được phản ánh rất nhiều từ các quận, huyện, TP cần làm rõ nguyên nhân, vướng ở đâu, do cơ chế chính sách hay do văn bản, do chỉ đạo điều hành, trách nhiệm thuộc về ai… Trong đó, nếu trách nhiệm thuộc về T.Ư hay Chính phủ thì cũng sẽ thẳng thắn rút kinh nghiệm. Đáng chú ý về tinh giản biên chế, kể cả Nghị quyết 39 cũng nêu rõ là không có chuyện cào bằng, chỉ xác định đến năm 2021 giảm 10% so với hiện nay, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Như thế không có nghĩa cơ quan nào cũng giảm 10%, có thể TP Hà Nội giảm 10% nhưng không phải quận, huyện, sở nào cũng giảm 10%. Chỗ nào thừa nhiều thì mới giảm nhiều, mà cũng chỉ giảm những người không làm được việc, chứ người làm tốt cũng giảm thì lấy ai làm việc. Muốn kinh tế xã hội phát triển, vẫn phải có cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt trong vấn đề phân cấp, đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Hà Nội làm mạnh mẽ hơn, quan trọng là cơ sở phải được tạo điều kiện về tài chính, ngân sách, nhân sự, cơ sở pháp lý… Đồng thời, cũng không thể áp dụng giống nhau ở mọi nơi. “1 trường học có cần phòng y tế không khi ngay bên cạnh có trạm y tế xã; hay nếu trạm xá xã nằm ngay cạnh bệnh viện huyện thì có cần đầu tư thiết bị đỡ đẻ cạnh đó không? Tức là, tùy thực tế mà có thể tinh giản được, hay có thể xem xét đầu tư”, ông Định khẳng định.