Kinhtedothi - Chiều 17/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - TP Hà Nội, Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng. Chương trình này được nhiều chuyên gia đánh giá là lý tưởng cho các doanh nghiệp có dự án đang thực hiện dở dang và giúp giám sát được dòng tiền. Về bản chất đây là việc các ngân hàng thương mại dành một tỷ lệ nhất định trong tăng trưởng tín dụng cho ngành xây dựng.
Đơn giản là… chương trình tín dụng
Sau hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, thông tin liên quan đến “gói tín dụng” 50.000 tỷ đồng trở nên khá ồn ào. Bởi dường như khi nhắc đến “gói tín dụng” liên quan đến bất động sản (BĐS), xây dựng là người ta thường nghĩ đến việc Nhà nước “bơm” tiền để cứu hay hỗ trợ thị trường. Theo ông Phan Thành Mai - Tổng Giám đốc VNCB, cần hiểu một cách đơn giản đây là một chương trình tín dụng của VNCB, tương tự như chương trình tín dụng của các ngân hàng vẫn thường thực hiện. Mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết, tạo lập sàn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm lưu thông tiền mặt góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…
Điểm ưu việt của chương trình là 4 bên tham gia (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng sản xuất VLXD - ngân hàng) cùng ký kết trên một hợp đồng và nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi. Với cấu trúc chuỗi liên kết khép kín 4 nhà, VNCB sẽ triển khai các sản phẩm dịch vụ và tín dụng cho mua, xây, sửa nhà với hình thức vay trả chậm đến 15 năm với nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất. VNCB sẽ tài trợ thêm 10.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2013 thông qua các hình thức cho vay ngắn hạn cung ứng VLXD quay vòng trong năm 2014 và các hoạt động bảo lãnh. Phần còn lại sẽ được tài trợ bởi ngân hàng chuyên ngành xây dựng nước ngoài và một số ngân hàng trong nước.
Hóa giải những khúc mắc
Trong gần một tháng qua, kể từ khi thông tin về chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng được công bố tại TP Hồ Chí Minh, dư luận đã hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi. Về chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, không giống như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đây là một chương trình tín dụng bình thường, Nhà nước không phải bỏ tiền, không hỗ trợ giá, không bù lãi suất. Việc liên kết 4 nhà để đưa ra quy trình khép kín đảm bảo dòng tiền hướng vào sản xuất, phục vụ người dân. Các bên phải chứng minh được đây là phương thức đúng và thực hiện có hiệu quả. Ông Nam cũng lưu ý, trong 4 nhà, ngân hàng không có nghĩa là một ngân hàng mà là nhiều ngân hàng khác nhau, nhà cung cấp VLXD cũng vậy, không phải chỉ có Thiên Thanh mà còn rất nhiều nhà cung cấp khác, không có chuyện chương trình này buộc các chủ đầu tư phải mua sản phẩm VLXD của Thiên Thanh.
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, triển khai sản phẩm liên kết 4 nhà giúp sử dụng dòng vốn có hiệu quả, khôi phục niềm tin cho thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh BĐS, giảm tồn kho VLXD và BĐS. Phạm vi áp dụng của chương trình sản phẩm tín dụng 4 nhà không chỉ bó hẹp trong phạm vi BĐS mà còn áp dụng cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, nhằm góp phần tăng trưởng tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế.
Ông Mạnh cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang giao cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cùng 7 ngân hàng khác trong đó có VNCB để hoàn thiện, đi đến thống nhất hợp đồng khung, đồng thời lựa chọn các dự án cụ thể để triển khai. Ngân hàng Nhà nước thực hiện vai trò khuyến khích, định hướng và giám sát việc tuân thủ các cam kết, đảm bảo nguyên tắc các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết bình đẳng, tự nguyện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp, VNCB đã ký kết hợp tác triển khai chương trình với các ngân hàng liên minh cung ứng vốn là Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Quốc dân. Sự kiện này cũng đã góp phần hóa giải nghi ngờ về khả năng, nguồn vốn của chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng.
DongA Bank, một trong những ngân hàng liên minh cung ứng vốn cho gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Ảnh: Kim Phượng
|
Ưu điểm của chuỗi liên kết là củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, tạo ra “5 yên tâm” trong xây dựng cơ bản: Tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng; chủ đầu tư yên tâm đầu tư; nhà thầu yên tâm thi công; nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị; người mua yên tâm góp vốn. Ông Phan Thành Mai Tổng Giám đốc VNCB |