Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để cái ác gieo mầm

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 3 tuần, cả xã hội như phát sốt. Từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đến Bộ Y tế, Bộ Công an…, rồi các phương tiện thông tin đại chúng đều đồng loạt lên tiếng.

Sự việc có lúc tưởng đã lắng xuống, nhưng được mấy ngày lại ào lên vì không thể chấp nhận mãi cách giải quyết như thể “làm đẹp” hình thức bên ngoài.
 Trong suốt một thời gian dài, Trần Hoài Nam đã sử dụng nhiều hung khí khác nhau để hành hạ, đánh đập cháu K con đẻ của mình
Sự việc khiến cả xã hội xôn xao ấy bắt đầu từ một clip bạo hành trẻ trên mạng xã hội ở trường mầm non Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh). Nhờ sự lên án của xã hội, các cơ quan chức năng vào cuộc, mà ngôi trường với những cô giáo thiếu tính người ấy đã bị xóa sổ, “bà chủ” hiệu trưởng bị bắt giam, học trò giải tán về các trường khác. Những người đã từng trải, có con cháu đang tuổi ăn học, ai nấy đều cho đây là tội ác - một tội ác tưởng như không thể hiện diện bởi chúng ta có rất nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, bởi sự kiểm soát, quản lý của chính quyền cơ sở, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại nhân danh giáo dục và tình thương.

Cách đây hơn 2 năm, pháp luật từng nghiêm khắc với vụ bạo hành trẻ tương tự. Đó là chuyện của bé gái ở một trang trại thuộc tỉnh Cà Mau, bị đánh đập đến hoảng loạn, ngớ ngẩn. Nạn nhân được chăm sóc phục hồi, thủ phạm đã phải đi tù, cứ ngỡ nạn bạo hành trẻ sẽ giảm trước cái “gương tày liếp” đó. Vậy nhưng, bạo hành không giảm mà còn tăng lên. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, gần 80% trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc phạt bằng bạo lực. Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cũng cho biết, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện. Cao điểm, trong hơn 1 tuần, xảy ra 6 vụ bạo hành trẻ em. Mà đó chỉ là những con số thống kê được.

Thì ra, mặc kệ những công ước, luật, thông tư, quyết định, tuyên truyền, giáo dục bấy lâu, từ trong gốc rễ, tư tưởng coi trẻ em là sở hữu riêng vẫn tồn tại. Muốn tìm được giải pháp giải quyết tận gốc, phải tìm ra cội nguồn của những bạo hành đó. Liệu có phải là sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, mà suy rộng ra là tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức của xã hội đang thâm nhập vào mỗi gia đình? Thêm nữa, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người lớn còn kém, nhiều cha mẹ không hiểu biết về quyền của trẻ em. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình... cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ.

Một trong những điều cần nói đến là việc giáo dục, thực thi quyền trẻ em hiện nay mới chỉ theo kiểu “chữa cháy”. Nghĩa là khi sự việc xảy ra, truyền thông lên tiếng, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Còn trước và sau khi sự việc, vẫn chỉ là những lời hô hào suông. Thế nên, việc quan trọng này phải được đẩy mạnh sâu rộng, thường xuyên, liên tục, đến từng gia đình, nhà trường để mọi người hiểu, nhận thức rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hơn nữa, các chế tài xử lý, khung hình phạt đối với các vi phạm cần nghiêm khắc để có sức nặng răn đe hơn, thì mới mong chấm dứt được các vụ bạo hành trẻ để cái ác không thể gieo mầm trong xã hội.