Dù việc “nợ” tiền hoàn thuế đã được giải quyết, nhưng nhiều DN vẫn đề xuất sửa đổi một số quy định để việc hoàn thuế thuận lợi hơn.
Tiền hoàn thuế cũng là vốn
Bà Nguyễn Thị Oanh - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị văn phòng phẩm Hoàng Minh (hoạt động sản xuất và phân phối văn phòng phẩm, băng keo công nghiệp) cho biết, DN này không bị chậm hoàn thuế. Tuy nhiên, để thuận lợi và tạo điều kiện cho việc bổ sung vốn quay vòng cho DN, Bộ Tài chính cần nghiên cứu và sửa đổi một số quy định trong quy trình hoàn thuế. Cụ thể, theo quy định đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có số thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa được khấu trừ hết lũy kế sau 12 tháng hoặc sau 4 quý thì được hoàn thuế.
Tuy nhiên, thời gian được hoàn thuế này quá lâu, mất thêm thời gian cho việc chờ đợi để làm thủ tục, gây ảnh hưởng đến việc luân chuyển dòng tiền và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh cũng như vòng quay tài chính của DN: “Nếu số thuế VAT này là con số hàng tỷ đồng thì đó là cả một vấn đề đối với DN nhỏ và vừa, vì đây là đối tượng đang cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm và thúc đẩy phát triển. Đồng thời đây cũng chính là loại chi phí tài chính bị tồn kho lâu, trong khi DN nhỏ và vừa chưa được tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi, vô hình trung sẽ đẩy lùi hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh...”. Bà Oanh kiến nghị, nên quy định theo số tiền thuế âm tương ứng với quy mô DN, hoặc rút ngắn thời gian khoảng 3 tháng thay vì 12 tháng. Bên cạnh đó, hiện nay, hồ sơ hoàn thuế đều phải trình qua Tổng cục Thuế trước khi hoàn, dẫn đến sẽ kéo dài thời gian hoàn cho DN, nên cần chuyển thẩm quyền cho các cục thuế, chi cục thuế ra quyết định.
Tại một DN xuất nhập khẩu nông sản, vướng mắc trong hoàn thuế lại nằm ở việc kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ do DN không cập nhật được các văn bản mới. Đại diện DN này cho hay, thực tế nhiều văn bản mới do Bộ Tài chính ban hành liên quan trực tiếp đến DN nhưng chủ yếu lại phát hành nội bộ mà không gửi đến DN. DN không nắm được, chỉ khi nộp hồ sơ đến cơ quan thuế mới được thông báo để bổ sung. Để thuận lợi hơn cho DN, DN này đề xuất, khi có văn bản mới, các cơ quan nên thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng kênh nào đó tập huấn, thông báo cho DN để tránh việc DN mất thêm thời gian vì không cập nhật thông tin mới.
Tiếp tục hoàn thiện
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, sau những phản ánh của DN về việc chậm hoàn thuế, Bộ Tài chính đã sửa đổi một số quy định “gây khó” cho DN. Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai, điều chỉnh trong giám sát hoàn thuế, phân bổ kịp thời dự toán hoàn thuế. “Đến nay, toàn bộ trường hợp đủ điều kiện đã được giải quyết hoàn thuế. Còn một số trường hợp, chúng tôi đang phối hợp với các ngành để điều tra thì không thể hoàn ngay, và số bù trừ cũng phải kiểm tra”- ông Trí chia sẻ.
Về tình trạng DN không cập nhật được văn bản mới do chỉ phát hành nội bộ trong ngành thuế, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trí thừa nhận, có tình trạng này. Hiện, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang từng bước tiếp cận, đổi mới cách làm để hệ thống văn bản trở nên gọn nhẹ hơn. Bên cạnh đó, theo quy định, tất cả các văn bản đều phải công khai trên cổng thông tin Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương. DN cũng cần để ý để chủ động cập nhật các văn bản mới.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Cần quy định rõ Theo luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa), cần quy định rõ để hỗ trợ, không làm khó DN: Một là, nên quy định ngưỡng nhất định để hoàn thuế. Các cơ sở kinh doanh trong 3 tháng liên tục trở lên có lũy kế số dư đầu vào được khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra, nếu dưới ngưỡng đó thì tiếp tục chuyển cho kỳ sau để khấu trừ. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của cơ quan thuế, và cả người nộp thuế. Đối với hoàn thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, thì nên quy định hoàn theo tháng hoặc theo chuyến hàng mà không hạn chế số tiền chưa được khai trừ là bao nhiêu như quy định hiện nay. Còn các trường hợp khác có thể theo quý hoặc theo năm. Hai là, khi cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ, phát hiện các đơn vị cung cấp chứng từ nộp thuế chưa kê khai hoặc kê khai, nhưng chưa nộp thuế, thì yêu cầu DN cùng phối hợp để thu nợ đọng thuế của đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ; tạm thời loại chứng từ đó chưa hoàn thuế trong kỳ. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng đơn vị kê khai đề nghị hoàn thuế, nhưng số thuế chưa được nộp vào ngân sách, do bên nhận chuyển tiền chưa khai hoặc còn nợ thuế, dẫn đến sai bản chất của hoàn thuế. Ba là, thời hạn được giải quyết hoàn thuế cũng nên xem xét lại. Thời gian xác minh khi có dấu hiệu nghi ngờ gian lận cần được kéo dài hơn, có thể là 60 ngày thay cho quy định tối đa 30 ngày như hiện hành. Bốn là, xem xét giải quyết hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách Nhà nước giữa 2 DN độc lập khác nhau, có hoạt động kinh doanh tại cùng địa bàn và cả 2 DN cùng có văn bản cam kết, đề nghị cơ quan thuế giải quyết để hạn chế nợ đọng thuế. Năm là, cần quy định bắt buộc mọi nghiệp vụ kinh tế của DN dù lớn hay nhỏ đều phải thanh toán qua ngân hàng nhằm giảm lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, góp phần giảm lạm phát, đồng thời giảm thiểu sự khai khống, khai sai số thuế VAT đầu vào, giảm thất thu ngân sách. |