Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để nhà công vụ biến thành nhà tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/9, các ĐB Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước khi...

Kinhtedothi - Sáng 10/9, các ĐB Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới. Trong đó, "nóng" nhất vẫn là chính sách nhà ở công vụ và phát triển nhà ở xã hội.

Hầu hết các ý kiến đều đánh giá, Dự Luật được đưa ra lần này đã chỉnh sửa với nhiều điểm sáng, nhất là về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các ĐB vẫn cho rằng cần phải hoàn thiện thêm. Đặt vấn đề đã là chính sách thì phải công bằng, ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị, trong lĩnh vực nhà ở xã hội, ngoài doanh nghiệp được hỗ trợ, nên bổ sung thêm các thành phần khác tham gia. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, hiện doanh nghiệp chỉ chú tâm đến xây để bán, trong khi nhu cầu thuê nhà ở xã hội của công nhân, sinh viên rất lớn lại không có. ĐB Lê Như Tiến đề nghị, phải có chế tài để doanh nghiệp dành 20 - 30% diện tích nhà ở xã hội cho thuê. Về quỹ phát triển nhà ở xã hội, hầu hết các ĐB đồng tình phải có quỹ ở các địa phương có đông công nhân và "chốt" phương án thành lập quỹ ở các địa phương đông công nhân để hỗ trợ.

 
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội.     Ảnh: TTXVN
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Vấn đề nhà ở công vụ cũng rất "nóng" trong cuộc thảo luận khi các ĐB lo ngại trước thực trạng hiện nhiều nhà công vụ đã bị biến thành nhà tư vụ. Các ĐB đề nghị Chính phủ cần có báo cáo rõ về tình hình thực hiện nhà công vụ để Quốc hội quyết định. Đề nghị thu hẹp diện được ở nhà công vụ, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, hiện nhiều người ở nhà công vụ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn khiến dân bất bình. Trừ các đối tượng đặc biệt, nên để các đối tượng khác tự mua nhà theo cơ chế thương mại. Dự Luật cũng phải quy định thời gian phải trả lại nhà công vụ khi cán bộ hết thời gian công tác, tức là phải có chế tài để xử lý việc trả lại nhà công vụ.

Chiều cùng ngày, thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các ĐB Quốc hội tán thành cao với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Liên quan đến Dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý: Việc sửa đổi Luật BHXH phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng; thu đúng, thu đủ, nguyên tắc có chia sẻ và bảo đảm an toàn quỹ BHXH. Chiều 10/9, hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách cũng bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, đối với các nội dung được góp ý kiến tại hội nghị, cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện các Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.