Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để thiếu nước tưới dưỡng lúa Xuân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi hoàn thành đổ ải, công tác lấy nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân 2019 tiếp tục được các DN thủy lợi, các địa phương tập trung triển khai quyết liệt.

Nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng
Là một trong những địa phương hoàn thành gieo cấy lúa Xuân muộn nhất của Hà Nội, những ngày qua, bà con nông dân huyện Mê Linh tích cực xuống đồng làm cỏ, tranh thủ điều kiện thuận lợi về nguồn nước để bổ sung, tưới dưỡng cho lúa Xuân. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Minh Phan Tuy Hội cho biết, mực nước sông Hồng hiện nay vẫn khá thuận lợi cho việc lấy nước tưới dưỡng. Đơn vị đang bố trí công nhân ứng trực 24/24 giờ, vận hành 10 máy bơm dã chiến của Trạm bơm Thanh Điềm để tăng cường lấy nước. Đến nay, 4.938ha lúa Xuân do công ty phục vụ chưa có hiện tượng thiếu nước.
Công nhân vận hành trạm bơm Đại Đồng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Lâm Nguyễn
Dù vậy, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước khá nghiêm trọng. Theo ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy), nếu từ nay đến tháng 5/2019, trên địa bàn TP không có mưa lớn, mực nước sông, hồ tiếp tục bị hạ thấp… thì khả năng nhiều diện tích lúa Xuân thuộc địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ… sẽ bị thiếu nước tưới dưỡng. Tương tự, trong vùng phục vụ của hai Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích và sông Nhuệ cũng sẽ có hàng nghìn héc-ta lúa Xuân không đủ nước tưới dưỡng.
Ghi nhận cho thấy, hiện nay, các DN thủy lợi của Hà Nội đã cung cấp đủ nước tưới dưỡng đợt 1 cho 91.242ha lúa Xuân. Tuy nhiên, lượng nước tưới dưỡng trong những đợt tới sẽ đứng trước nhiều nguy cơ khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, 65% diện tích canh tác vụ Xuân 2019 phụ thuộc nguồn nước sông Hồng, 35% còn lại trông chờ vào hồ thủy lợi nội địa. Dù vậy, mực nước sông Hồng hiện chỉ bảo đảm vận hành một số trạm bơm được đầu tư mới. Trong khi từ đầu năm 2019 đến nay, tổng lượng mưa trên địa bàn TP chỉ đạt khoảng 17,7mm, khiến mực nước 13 hồ thủy lợi lớn chỉ còn khoảng 110 triệu mét khối.
Tận dụng tối đa nguồn nước
Để bảo đảm đủ nước tưới dưỡng lúa Xuân, những ngày qua, công nhân thuộc các xí nghiệp thủy lợi được huy động với số đông, thực hiện nạo vét, hạ thấp, mở rộng cửa khẩu dẫn dòng cho các trạm bơm Sơn Đà, Trung Hà, Thanh Điềm, Phù Sa… Đồng thời chuẩn bị vật tư, phương tiện để sẵn sàng lắp đặt, vận hành bổ sung máy bơm dã chiến lấy nước, khi mực nước các sông xuống thấp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, vừa qua, đơn vị đã có văn bản kiến nghị các DN thủy lợi cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, vận hành hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước vào hệ thống ao đầm, kênh mương, sông ngòi, nhất là các hồ nội địa, khi điều kiện nguồn nước thuận lợi. Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương rà soát những diện tích khó khăn cho việc cấp nước tưới dưỡng để điều chỉnh kế hoạch bổ sung nguồn nước từ các hồ thủy lợi, bảo đảm không để thiếu nước tưới dưỡng lúa Xuân.
Để chủ động trong công tác chống hạn vụ Xuân những năm tiếp theo, ông Khương đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất TP sớm đầu tư nâng cấp các trạm bơm: Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hai trạm bơm Liên Mạc, Phù Sa.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 8/2019, tổng lượng mưa tại các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông và hạ du sông Hồng trong tháng 3 và 4/2019 bị thiếu hụt từ 30 - 40%.