Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để tội phạm lộng hành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhấn mạnh với phóng viên: “Dứt khoát phải kỷ luật, cách chức, chuyển công tác, thậm chí phải truy tố trước pháp luật nếu phát hiện có sự thiếu trách nhiệm, bảo kê, bao che tội phạm của các cá nhân có liên quan và thủ trưởng đơn vị đó”.

Không để tội phạm lộng hành - Ảnh 1
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được để tội phạm lộng hành. Ảnh VGP/Lê Sơn

Thưa Phó Thủ tướng, ông đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm trong thời gian qua?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể nói tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, táo tợn và nghiêm trọng hơn, trong khi công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự còn một số bất cập, chưa theo kịp với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn; cơ chế, chính sách về tín dụng còn những bất cập đã kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Tình trạng vỡ “tín dụng đen” xảy ra ở nhiều nơi, các hoạt động cờ bạc gắn với “tín dụng đen” làm gia tăng hoạt động của các băng nhóm “xã hội đen”, đặc biệt là bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng,...

Tính chất hoạt động của các băng nhóm “xã hội đen” rất tinh vi, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra, “lách” luật, chúng còn khống chế, đe dọa người bị hại nên việc thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để triệt phá, đưa chúng ra trước pháp luật gặp khó khăn.

Một số băng nhóm tội phạm đã lộng hành trong thời gian dài tại địa phương, nhưng chỉ bị lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an trực tiếp triệt phá đã cho thấy, có biểu hiện của sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ sở.

Ví dụ: Vụ triệt phá băng nhóm “xã hội đen” của Tú “khỉ” tại tỉnh Hưng Yên; các vụ triệt phá sới bạc tỉnh Bắc Ninh và huyện Sóc Sơn, Hà Nội…

Thưa Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm túc, triệt để vấn đề này như thế nào? Đặc biệt là trước sự buông lỏng của cá nhân, tập thể để các băng nhóm tội phạm lộng hành?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ban Chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; tiến hành tổ chức các đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo sát sao việc thực hiện Chỉ thị số 48 tại 26 tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, gây lo lắng cho nhân dân.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền một số địa phương kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để các đối tượng, băng nhóm “xã hội đen” hoạt động bảo kê, lộng hành.

Tôi cũng nhắc lại, địa phương nào để tội phạm lộng hành thì cấp ủy, chính quyền, công an nơi đó phải chịu trách nhiệm. Dứt khoát phải kỷ luật, cách chức, chuyển công tác, thậm chí phải truy tố trước pháp luật nếu phát hiện có sự thiếu trách nhiệm, bảo kê, bao che tội phạm của các cá nhân có liên quan và thủ trưởng đơn vị đó.

Thời gian tới, Ban Chỉ  đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ và các cấp, các ngành sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Thời gian tới, Ban Chỉ  đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm; tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong cả nước, nhất là những địa phương là “điểm nóng” hiện nay.

Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự gây hoang mang, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tổ chức rà soát các loại đối tượng, các tuyến, địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên cho nhân dân.   

Chỉ đạo lực lượng Công an phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt, chủ động nắm chắc tình hình tập trung đánh mạnh, đánh trúng, đánh liên tục tội phạm có tổ chức, băng nhóm “xã hội đen”. Xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác, chiến đấu, đủ sức đấu tranh chống tội phạm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ!

 
 
 
Trong 5 tháng đầu năm 2013, tình hình tội phạm còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, có xu hướng hoạt động mạnh trở lại. Đặc biệt hoạt động của các băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí gây án, tội phạm giết người, mua bán người, buôn lậu, tội phạm môi trường, ma túy, tệ nạn xã hội và tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng.

Cũng trong thời gian trên, các lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 17.800 vụ phạm tội về trật tự xã hội, xử lý 39.500 đối tượng, triệt phá 962 băng nhóm tội phạm trên cả nước.