Ban đầu chỉ có chị và cậu con trai bày dăm bộ bàn ghế nhựa, quây cái bếp nho nhỏ đong, chan cho chừng hai chục khách một buổi sáng. Hồi ấy, chị bảo tôi: “Vợ của thằng lớn bán hàng bên chợ. Tiện làm hàng, lại sẵn mẹ con em cũng rảnh rang, nên tranh thủ kiếm thêm đồng cho các cháu đi học”. Thế mà giờ, quán cứ mỗi ngày một đông, bàn ghế kê thêm bao nhiêu bộ, mấy người bưng bê mà có lúc cũng không kịp phục vụ khách ăn sáng. Con dâu chị cũng dẹp quán hàng bên chợ, về chí thú cho quán ở ngã ba nhà. Nào mẹ, nào chồng, nào vợ, nào em chồng, lại còn thuê thêm mấy người phụ bưng bê, rửa bát… Ai cũng bảo, quán hàng ăn sáng ấy nuôi cả nhà. Mà quả là không sai, từ độ quán ngã ba đông khách, hàng xóm không còn thấy chị tranh thủ xách chiếc làn nhựa trong đựng ấm nước chè, vài bao thuốc lá, mấy phong kẹo cao su đi bán dạo trong chợ, không còn thấy chồng chị lếch thếch đi phụ hồ cho các công trình nho nhỏ…
Nhìn nhà chị tất tả dọn bát đũa, xoong nồi sau buổi bán hàng, ông nhà nhìn đồng hồ bảo tôi: “10 giờ là kết thúc việc của một ngày rồi đấy! 4 giờ sáng đến 10 giờ sáng, 6 tiếng tất tả rồi thư thả cả ngày, chỉ vất vả vì phải dậy sớm thôi!”. Ông nói cũng phải, vì đến chiều muộn, nhà chị mới lại quay vào chuẩn bị đồ cho buổi bán sáng hôm sau. Mà thời buổi bây giờ, người bán hàng ăn cũng không còn cực nhọc làm hàng như dạo trước, vì mọi thứ đều có sẵn, giao tận nơi: Từ ốc khêu, cá chiên, cho đến bún, rau sống… Lại chợt nhớ đến chị bán rau ở ngõ bên kia. Hai mẹ con chị lên thành phố, thuê nhà trọ ở. Hàng ngày, mẹ dậy sớm ra chợ đầu mối quẩy gánh rau về chợ nhà bán, con đi học đại học. Chỉ thế thôi mà cuộc sống của hai mẹ con cũng yên ổn, chẳng dư dả nhưng không thiếu cái ăn, cái mặc…
Nhìn những cảnh đời ấy, ngẫm thấy ông nhà tôi nói đúng quá: “Ở nơi đô thị này, kiếm ăn không khó, chỉ cần chịu thương chịu khó thôi!”.